Nghiên cứu của Viện Chính sách công và quản lý thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra rằng, hơn 40% trong số 9 triệu người cao tuổi Việt Nam hiện phải tự lao động kiếm sống mà không có nguồn thu nào khác.
Ông Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Trong số lượng người chúng tôi phỏng vấn, hầu hết họ là những người ở độ tuổi 70-80 trở lên, họ đã trải qua thời kỳ chiến tranh rất khốc liệt, lại không có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó họ cũng có nhiều con và lo lắng rất nhiều việc, nên không suy nghĩ cho tuổi già và cũng không có tích lũy cho tuổi già”.
180.000 đồng - số tiền không đủ mua 15kg gạo, chưa đủ ăn cho một người, một tháng, nhưng đó lại là khoản tiền trợ cấp xã hội mà người cao tuổi không có lương hưu và bảo hiểm xã hội đang được hưởng hàng tháng. Theo các chuyên gia, Việt Nam đã chi rất nhiều cho an sinh xã hội, thậm chí vượt khả năng kinh tế của quốc gia, tuy nhiên, lại chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: “Trong luật hiện nay chúng ta đã mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tức là tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện, chuyển từ bảo hiểm tự nguyện sang bắt buộc, hoặc bảo hiểm suốt đời, nhưng cái chính là làm sao cho người dân hiểu và tham gia vào cơ chế này”.
Theo bà Brigitte Kooler, Cố vấn trưởng Dự án hỗ trợ an sinh xã hội Việt Nam - GIZ: “Việt Nam cần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về việc tích lũy tài sản từ khi còn đang đi làm. Thứ hai là chuyển một số ngành trong lĩnh vực không chính thức sang lĩnh vực chính thức để người lao động được tham gia vào bảo hiểm bắt buộc”.
Theo điều tra quốc gia về người cao tuổi năm 2011, Việt Nam đang là một trong năm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong vòng 35 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 1/4 dân số Việt Nam. Để đảm bảo ổn định an sinh xã hội, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ lẫn người dân cần gấp rút chuẩn bị cho quá trình này ngay từ bây giờ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.