Biến đổi khí hậu, các nước châu Á gồng mình chống chọi mưa lũ

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 15/08/2020 19:07 GMT+7

VTV.vn - Trong những năm gần đây, lượng mưa đổ xuống các nước châu Á ngày càng nhiều hơn.

Ngay trong nửa đầu năm 2020, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều nước châu Á phải hứng chịu tình trạng lũ lụt, lở đất nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về người và của. Theo các nhà khoa học, đây chính là hậu quả của việc khí hậu toàn cầu ngày một ấm lên.

Theo lý giải của các chuyên gia khí tượng, biến đổi khí hậu hay nói cách khác là sự nóng lên toàn cầu đã làm các hình thế thời tiết hoạt động bất thường.

Mưa lớn ở khu vực Trung Quốc, Nhật Bản và kể cả sau đó là Hàn Quốc đều là do một dải mây Front gọi là Front Mei-yu chạy dọc từ các tỉnh phía nam Trung Quốc sang đến Nhật Bản. Hình thế này năm nào cũng xuất hiện, nhưng năm nay lại ít di chuyển, hoạt động mạnh, tồn tại hơn 2 tháng qua. Lý do vì năm nay vùng cao nguyên Siberia - nơi khởi nguồn của các đợt không khí lạnh - có nhiệt độ cao hơn so với trung bình mọi năm tới 10 độ C. 

Điều này khiến khối khí lạnh di chuyển xuống phía nam rất yếu và ít hơn hẳn, không đủ để làm dịch chuyển Front nên nó bị neo lại ở một khu vực. Chưa kể, bề mặt biển nóng lên tạo nhiều hơi ẩm từ vùng biển phía nam liên tục dồn tới, hội tụ dọc theo Front, tiếp sức cho nó mạnh lên gây mưa to kéo dài.

Biến đổi khí hậu, các nước châu Á gồng mình chống chọi mưa lũ - Ảnh 1.

Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, một loạt quốc gia châu Á khác như Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Indonesia cũng phải gồng mình chống chọi với mưa lũ lớn.

Dự báo mưa lũ sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới ở khu vực châu Á, đặc biệt là tại các nước gần xích đạo như Indonesia, Malaysia, Phillipines, miền Trung và miền Nam của Việt Nam. Bởi ngoài biến đổi khí hậu còn có sự xuất hiện của hiện tượng La Nina. Những năm xuất hiện La Nina sẽ có mưa nhiều với tổng lượng mưa lớn, nhiều đợt mưa bất thường.

Nhìn lại năm 2016 cũng là một năm xuất hiện La Nina vào các tháng cuối năm.

Giữa tháng 10, tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, nhiều vị trí nước ngập sâu từ 1m đến gần 3m, chia cắt nhiều huyện.

Đầu tháng 11, một lần nữa Hà Tĩnh, Quảng Bình lại chìm trong nước lũ, cùng với Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Đến tháng 12, tại Trung Bộ và Tây Nguyên xuất hiện liên tiếp 2 đợt lũ lớn trên nhiều lưu vực sông, lũ cao duy trì nhiều ngày ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai. Nhiều khu dân cư ngập sâu, có nơi ngập đến 1,5m.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong năm 2016 có tới 215/264 người chết và mất tích do lũ, lũ quét và sạt lở đất; hàng trăm nghìn nhà bị ngập, thiệt hại vô cùng lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước