Chưa khi nào Việt Nam phải trải qua thiên tai dồn dập và thiệt hại nặng nề như năm 2020

Nguyễn Thu, Ngân Hằng (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 17/11/2020 20:58 GMT+7

VTV.vn - 13 cơn bão dồn dập, mưa lũ lịch sử, sạt lở đất kinh hoàng khiến miền Trung trải qua 45 ngày liên tục nhấn chìm trong bão lũ và thiệt hại lớn về người và tài sản.

Miền Trung ngập lụt, sạt lở chưa từng có

Hiện tại là giữa tháng 11 nhưng Việt Nam đã chịu rất nhiều thiệt hại do thiên tai. Bão số 13 vừa đổ bộ ngày 15/11 đánh dấu 45 ngày liên tục miền Trung trong bão lũ. Chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập đến thế.

Việt Nam vừa đề xuất với Uỷ ban Bão Quốc tế xóa bỏ tên bão Linfa, cơn bão số 6 năm nay. Đây là việc làm khi một cơn bão gây thiệt hại quá lớn. Bão Linfa gây ra một thảm họa lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất cho toàn bộ khu vực miền Trung Việt Nam.

Chưa khi nào Việt Nam phải trải qua thiên tai dồn dập và thiệt hại nặng nề như năm 2020 - Ảnh 1.

Quảng Bình ngập nặng trong mưa lũ. Ảnh: TTXVN

Linfa góp phần tạo nên bối cảnh của miền Trung chỉ trong hơn 1 tháng mà có 5 trận lũ lớn. 11/14 tỉnh thành đều phải sống chung với ngập lụt, trải dài từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Trong đó, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam là nặng nề nhất. Ở khu vực này, 7 con sông đã đã thiết lập những mốc lũ kỷ lục mới, có nơi nước ngập đến 5m.

Khúc ruột miền Trung năm nay hứng chịu đa thiên tai. Lũ lụt và sạt lở chưa bao giờ lại dồn dập, quy mô rộng và gây thiệt hại nặng nề như vừa rồi. Trong đó, Quảng Nam là tâm điểm về sạt lở, 6 vụ sạt lớn với tổng số người chết, mất tích là 48 người trên tổng số 112 người.

Đặc biệt, trong ngày 28/10 chỉ trong vài giờ đồng hồ, 4 trận sạt lở kinh hoàng liên tiếp ập đến huyện Bắc Trà My và Phước Sơn. Trong phút chốc, sạt lở đã san phẳng cả bản làng ở xã Trà Leng. Ngoài ra, trận sạt lở ở tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ, Thừa Thiên - Huế hay sư đoàn 337, Quảng Trị cũng ám ảnh rất nhiều người, chỉ sau 1 đêm mà hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã bị vùi lấp trong lớp đất đá.

Sạt lở đất miền Trung : Nhân tai hay thiên tai?

Trước thực tế này, đối với sạt lở, cộng đồng không chỉ xót xa với bà con của vùng bị hứng chịu mà còn rất ráo riết muốn tìm ra nguyên nhân của loại hình này để nhanh chóng hướng tới giải pháp ứng phó. Một tâm trạng cấp bách khác với những lần hứng chịu thiên tai trước đó.

Chưa khi nào Việt Nam phải trải qua thiên tai dồn dập và thiệt hại nặng nề như năm 2020 - Ảnh 2.

Số người thiệt mạng do các vụ sạt lở trong 1 tháng nhiều hơn số người chết do bão và lũ cộng lại.

Một vụ sạt lở đất chỉ xảy ra trong vài giây, lâu hơn là vài phút nên việc thoát thân được chỉ nhờ may mắn. Đến nay, con số thiệt mạng về người do hàng loạt vụ sạt lở đất xảy ra trong hơn 1 tháng qua đã là 112 người, nhiều hơn số người chết do bão và lũ cộng lại.

Trên các kênh mạng xã hội, phần lớn ý kiến đều cho rằng, chặt phá rừng là nguyên nhân hàng đầu của sạt lở đất. Còn dưới góc nhìn của các chuyên gia, rừng mới chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân.

Chuyện tìm ra nguyên nhân của một loại thiên tai cũng lần đầu tiên được mang ra nghị trường. Đó là một trong những nội dung được các đại biểu kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thảo luận thẳng thắn và sôi nổi nhất.

Mùa bão bất thường trên Biển Đông

Thiên tai thường ập đến khi chúng ta mất cảnh giác nhất. Chúng ta đã bắt đầu mùa xuân Canh Tý trong sự ngỡ ngàng. Thay vì một đêm giao thừa mưa thuận gió hòa, mưa đá lại trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh, thành của miền Bắc.

Chưa khi nào Việt Nam phải trải qua thiên tai dồn dập và thiệt hại nặng nề như năm 2020 - Ảnh 3.

Hai người đàn ông hì hục đẩy chiếc xe bị chết máy trong thời khắc chuẩn bị giao thừa. Ảnh: Báo Giao thông.

Chưa khi nào Việt Nam phải trải qua thiên tai dồn dập và thiệt hại nặng nề như năm 2020 - Ảnh 4.

Rất hiếm khi người Hà Nội chứng kiến đêm Giao thừa ngập lụt như thế này. Ảnh: Báo Giao thông

Chưa khi nào Việt Nam phải trải qua thiên tai dồn dập và thiệt hại nặng nề như năm 2020 - Ảnh 5.

Khung cảnh tại một ngã tư đêm giao thừa khiến nhiều người ngán ngẩm. Ảnh: Báo Giao thông.

11 tháng đi qua với sự khắc nghiệt của thiên tai nhưng những dự báo trong thời gian tới cho thấy Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục đối mặt.

Dự báo từ nay đến hết năm vẫn còn khoảng 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng tới đất liền. Việt Nam nằm ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương là ổ bão lớn nhất thế giới. Nếu như trung bình chỉ có khoảng 1/3 số lượng bão ở đây đi vào biển Đông thì tỷ lệ năm nay đang là một nửa, tương đương 11 trong tổng số 22 cơn bão. Bão trên biển Đông đang nhiều hơn bình thường, chưa kể còn cả một mùa Đông bất thường phía trước.

Thiên tai đang không còn tuân theo quy luật nữa và sẽ càng khắc nghiệt hơn. Chúng ta phải coi nó là một hiện thực bình thường mới và tìm cách để ứng phó với nó cũng như ứng xử hài hòa với thiên nhiên.

WB khuyến nghị Việt Nam cần hành động ngay trước thảm họa thiên tai WB khuyến nghị Việt Nam cần hành động ngay trước thảm họa thiên tai Cần phân tích, công bố thông tin chính thống về nguyên nhân thiên tai khắc nghiệt Cần phân tích, công bố thông tin chính thống về nguyên nhân thiên tai khắc nghiệt Nhiều nguyên nhân dẫn tới thiên tai, sạt lở đất Nhiều nguyên nhân dẫn tới thiên tai, sạt lở đất

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước