Trên tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy thuộc quận Cầu Giấy, một trong những tuyến đường mà tuyến đường sắt đô thị này đi qua, việc nhà thầu sau khi thi công xong tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chậm hoàn trả mặt đường đã khiến cho tuyến đường này xuất hiện nhiều sống trâu, ổ gà.
Thực tế cho thấy, dù nhà thầu tuyến đường sắt đô thị này đã tháo rào chắn hoàn thành việc thi công từ lâu nhưng việc đi lại của người dân đang gặp nhiều khó khăn do mặt đường xuống cấp. Trên tuyến đường dài chưa đầy 3km có không ít đoạn, mặt đường gồ ghề, lồi lõm, chi chít các vị trí hố sâu, đặc biệt, tại các đoạn từ đầu đường Cầu Giấy kéo dài hàng trăm mét tới số nhà 74; 338 Cầu Giấy; ngã tư Trần Đăng Ninh - Cầu Giấy; khu vực Đại học Quốc gia.
Chi chít các vị trí hư hỏng, trồi sụt trên trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy. Ảnh: Báo Giao thông
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên đường Hồ Tùng Mậu với rất nhiều vị trí lồi lõm, sụt lún, có đoạn có tới 4 - 5 hố ga liên tiếp trồi sụt. Nghiêm trọng nhất là khu vực Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội). Không chỉ nắp cống, nhiều thiết bị kim loại cũng trồi lên giữa lòng đường, nhất là các đoạn đối diện số 32, 38, 42, 66 Hồ Tùng Mậu.
Nhiều người dân cho biết, đi qua đoạn đường này rất nguy hiểm, dễ xảy ra va chạm, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm. Nếu không nhanh chóng có những biện pháp khắc phục, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, đối với các dự án mượn đường bộ để thi công, sau khi hoàn thành phải trả lại nguyên trạng hoặc tốt hơn. Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ.
Khu vực Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội) bề mặt đường rạn nứt, nhiều phương tiện di chuyển khó khăn. Ảnh: Báo Giao thông.
Đại diện Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, đơn vị được thành phố giao chịu trách nhiệm cải tạo trục đường bên dưới tuyến Nhổn - ga Hà Nội cho biết, thành phố đã yêu cầu đơn vị lập phương án cải tạo các tuyến đường trên để người dân đi lại êm thuận.
Theo đó, đơn vị này sẽ sửa chữa các vị trí mặt đường hư hỏng; thảm lại toàn bộ mặt đường; sơn kẻ, bố trí biển báo, đèn tín hiệu giao thông đồng bộ; nghiên cứu tổ chức lại giao thông phù hợp tại các nút giao; tổ chức lại giao thông, chia lại làn đường. Tuy nhiên, phương án đang phải xin ý kiến các địa phương nên chưa xác định thời gian triển khai cụ thể.
Đại diện sở GTVT Hà Nội cũng cho biết sẽ quán triệt các chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Các ngành liên quan đến hạ tầng đô thị như cấp thoát nước, cấp điện, thông tin, cáp quang... cũng cần nhanh chóng phối hợp, xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp, tránh việc đào hè, đường nhiều lần gây lãng phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!