Gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc: Làm sao để giữ chân tuyến đầu chống dịch?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 07/12/2021 06:05 GMT+7

VTV.vn - Nhiều nhân viên y tế đã xin nghỉ việc do áp lực công việc quá lớn, chế độ đãi ngộ và tương lai nghề nghiệp. Cần cơ chế gì để giữ chân nhân viên y tế cơ sở?

Đồng lương ít ỏi, áp lực công việc lại quá lớn

Khoảng 1000 nhân viên y tế cơ sở ở TP Hồ Chí Minh đã xin nghỉ việc. Có những bệnh viện, cả chục nhân viên y tế nộp đơn nghỉ việc cùng lúc, kể cả những người có thâm niên hàng chục năm. Triền miên không thể về nhà, đồng lương ít ỏi, trong khi áp lực công việc lại quá lớn. Chưa kể cơ hội phát triển tay nghề ở y tế phường xã còn quá xa xôi.

Hiện thành phố có 310 trạm y tế cố định. Có 52 trạm được phân bổ từ 5 cán bộ trở xuống; 173 trạm có 6-8 người; 64 trạm có 9-10 người. Thực tế, mỗi trạm tại TP Hồ Chí Minh cần ít nhất 10 người vì trung bình một phường xã có 30.000 dân.

Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã tại TP Hồ Chí Minh mới đạt 2,3 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế. Tỷ lệ này cả nước là 7,4, Hà Nội 6.

Gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc: Làm sao để giữ chân tuyến đầu chống dịch? - Ảnh 1.

Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã tại TP Hồ Chí Minh thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế là 10 người

Trong bối cảnh F0 đang tăng trở lại, trước mắt sẽ đưa bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế lưu động về tăng cường cho trạm cố định để chăm sóc người bệnh. Vài tháng tới, thành phố sẽ điều chuyển các bác sĩ mới ra trường từ một số trường ĐH Y dược về tăng cường cho trạm y tế cơ sở.

Có được thành quả chống dịch đến thời điểm này không thể thiếu sự sẵn sàng, những hi sinh vất vả của bao cán bộ y tế, y bác sĩ. Những lo toan của cuộc sống và sức lực đến giờ này đã phần nào khiến họ không thể trụ lại. Sự cạnh tranh từ hệ thống y tế tư nhân tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh cũng là một vấn đề.

Không ít người từ bệnh viện công ra làm bệnh viện tư với mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn. Do vậy, các chế độ chính sách đảm bảo thu nhập, đời sống cần sớm được thực hiện để họ có thể yên tâm công tác và tiếp tục trụ vững trước dịch bệnh.

Cần có bước thay đổi toàn diện mô hình y tế cơ sở

Mới đây, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ký văn bản gửi 4 sở (Nội vụ, Tài chính, Tư pháp và Lao động, thương binh và xã hội) về việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trong tờ trình này, lãnh đạo ngành y tế kiến nghị tăng biên chế cho mỗi trạm lên 20 biên chế nhằm giảm áp lực cho hệ thống này.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra 3 chính sách lớn, bao gồm chính sách giữ chân, tăng cường và thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại các tuyến y tế cơ sở. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất sắp tới thành phố cần ban hành chính sách hỗ trợ hằng tháng nhằm tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn, đặc biệt là bác sĩ.

Gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc: Làm sao để giữ chân tuyến đầu chống dịch? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Với các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ, hộ sinh, nhân viên y tế... đang công tác tại trạm y tế phường, xã, thị trấn sẽ lần lượt được đề xuất tăng mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng so với mức lương cơ sở từ 2 đến 4 lần theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm với tổng kinh phí trên 8,5 tỉ đồng/tháng. Nếu điều này trở thành hiện thực, y tế cơ sở sẽ là "mảnh đất đủ tốt" để giữ chân và thu hút được nhân viên y tế. Tiếp tục huy động tình nguyện viên từ các nhân viên y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, các tình nguyện viên tôn giáo hoặc F0 tham gia chống dịch.

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực y tế cơ sở đang trở thành vấn đề chung của nhiều địa phương, nhất là những nơi có dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hiện nay Hà Nội vừa kích hoạt các trạm y tế lưu động và đội phản ứng nhanh tại các địa phương có số ca mắc tăng cao, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh có chiều hướng chuyển biến phức tạp trở lại. Đi kèm với đó thì việc củng cố hệ thống và đội ngũ y tế cơ sở là đòi hỏi tất yếu.

Một ê kíp cán bộ y tế lưu động đến nhà bệnh nhân F0, F1 để lấy mẫu xét nghiệm, cấp phát thuốc, xử lý môi trường, điều tra dịch tễ và phân loại mức độ lây nhiễm thường sẽ có từ 3-4 người. Quận Bắc Từ Liêm có trên 340.000 dân nhưng chỉ có khoảng 230 cán bộ y tế ở mọi lĩnh vực. Tất cả đều được huy động vào việc hỗ trợ điều trị F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.

Qua gần 2 năm ứng phó với dịch bệnh đã có thấy vai trò của hệ thống y tế cơ sở - nơi quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và đảm nhiệm vai trò quan trọng phòng chống dịch.

Hiện 2/3 nguồn lực đầu tư cho y tế đang tập trung cho hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương - tức là điều trị. Còn tuyến huyện và trạm y tế chỉ được đầu tư 1 phần nhỏ.

Đã đến lúc cần xác định hướng đi lâu dài cho việc xây dựng nguồn nhân lực y tế cơ sở nói riêng và ngành y tế nói chung. Trong đó, cần có bước thay đổi toàn diện, cấu trúc lại mô hình y tế xã, phường; chú trọng xây dựng các mô hình cả cơ sở hạ tầng, chuyên môn và nhân lực phù hợp đặc thù từng khu vực chăm sóc sức khỏe toàn diện, nhanh chóng, hiệu quả cho người dân nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Cùng chia sẻ, phân tích về chủ đề "Giữ chân" nhân viên y tế trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh: Y tế cơ sở bộc lộ điểm yếu Đợt bùng phát dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh: Y tế cơ sở bộc lộ điểm yếu

VTV.vn - Thực tế cho thấy, hệ thống y tế cơ sở tại TP Hồ Chí Minh cần được củng cố để chuẩn bị cho những tình huống dịch bệnh tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước