Khi lâm tặc trở thành... người bảo vệ động vật hoang dã

Thanh Thảo (VTV8)-Thứ hai, ngày 10/08/2020 10:07 GMT+7

VTV.vn - Những người chuyên cứu sống các loài động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An còn có cả... lâm tặc một thời.

Bẫy thú tại vuờn quốc gia Pù Mát, Nghệ An nhìn rất đơn giản nhưng nó có thể giết chết cả những con thú lớn. Theo Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, tại bất kỳ một thời điểm nào cũng có hơn 5 triệu chiếc bẫy thú khác nhau được đặt trong các khu rừng của Việt Nam. Những chiếc bẫy đang tàn sát các loài động vật hoang dã, đẩy loài đến nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, cũng có những người đang dành hết tâm sức để bảo vệ và cứu chữa cho những động vật hoang dã bị dính bẫy.

Những người cứu hộ động vật

Tê tê là một trong những loài động vật hoang dã bị săn bắt, buôn bán nhiều nhất thế giới. Tại Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát, có 1 con tê tê được giải cứu, đưa về trung tâm trong tình trạng bị stress, mất nước và rất yếu.

Hàng ngày, tê tê được anh Tuấn đưa lên phòng điều trị đặc biệt để thăm khám và chăm sóc, tỉ mỉ theo dõi từng vết thương. Quá trình này kéo dài hàng tháng trời.

Khi lâm tặc trở thành... người bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 1.

Cùng với anh Tuấn, anh Hà dành phần lớn thời gian trong ngày để chăm sóc các loài động vật hoang dã đang được cứu hộ ở đây. Anh đã làm công việc này suốt 17 năm qua.

Chọn các loại quả tươi ngon chia theo khẩu phần, rồi đi đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong chuồng để kích thích cho các loài vận động đi tìm thức ăn. Những việc nhìn qua tưởng đơn giản nhưng không hẳn vậy. Mất cả năm trời sau đó để chữa trị vết thương nhưng cánh tay của anh Hà không bao giờ có thể lành lại như cũ. Dẫu vậy, anh vẫn luôn tình nguyện gắn bó với khu bảo tồn, với những người bạn đặc biệt.

Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, hơn 300 cá thể động vật bao gồm các loài linh trưởng, rùa, bò sát và nhiều loài khác đã được anh Tuấn, anh Hà cùng các thành viên khác ở đây cứu hộ và phục hồi sức khỏe thành công. Đó là động lực và cũng là lý do để họ ở lại nơi này.

Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn động vật hoang dã

Với diện tích lên đến gần 95.000ha, Pù Mát là khu rừng đặc dụng lớn thứ 3 tại Việt Nam nhưng ở đây chỉ có hơn 60 cán bộ kiểm lâm đang làm việc. Điều đó có nghĩa mỗi người đang phải phụ trách, bảo vệ hơn 1.300ha rừng - một khối lượng công việc quá sức. Chính vì thế, nhiều công nghệ hiện đại đã được các cán bộ kiểm lâm ứng dụng. Một trong số đó là thiết bị theo dõi gắn lên động vật.

Một thiết bị theo dõi được gắn lên tê tê trước khi nó được tái thả về rừng. Thiết bị máy bay không người lái gắn cục thu sóng sẽ bắt tín hiệu được phát ra từ con chip đó để truy tìm dấu vết, tìm hiểu về cuộc sống mới của tê tê. Nó đang ở đâu, còn sống hay đã mất?

Không chỉ có vậy, một thiết bị hiện đại khác được gắn tại nhiều nơi trong rừng, những chiếc bẫy ảnh. Có thời điểm cả Pù Mát có đến 200 bẫy ảnh như thế.

Sau 3, 4 tháng, bẫy ảnh được thu lại để đánh giá dữ liệu. Hình ảnh thu được sẽ cho biết về số lượng và chủng loại quần thể động vật đang có trong rừng.

Các thiết bị hiện đại để theo dõi, giám sát và đánh giá khả năng thích nghi của động vật sau tái thả là thử nghiệm mới mẻ nhưng đã đem lại được kết quả bất ngờ khi ghi lại được cuộc sống của các loài động vật hoang dã nơi đây. Nó cũng nhân lên niềm hi vọng cho những người đang làm công tác cứu hộ và bảo tồn ở vườn quốc gia Pù Mát.

Nhờ những nỗ lực bảo vệ rừng, thực trạng động vật hoang dã ở Pù Mát vài năm trở lại đây đã có những cải thiện đáng kể. Tại đây được xác định có đến 132 loài thú lớn, trong đó 4 loài được giới khoa học công bố là loài mới vào những năm cuối thế kỷ XX như Sao La, Mang Lớn, Mang Trường Sơn và Thỏ vằn Trường Sơn. Tuy nhiên, theo lời kể của các đồng nghiệp trong chuyến tác nghiệp dài ngày tại Pù Mát, hầu như họ không thể gặp được các con thú lớn. Dường như chúng chưa đủ lòng tin để đối diện với con người và chúng cần thời gian.

Khi lâm tặc trở thành người bảo vệ rừng

Ở Pù Mát có những người bảo vệ rừng vô cùng đặc biệt bởi họ từng là lâm tặc trong nhiều năm.

Nghe tiếng vượn, ghi chép lại số liệu chỉ là một phần nhỏ công việc của nhóm bảo tồn cộng đồng mà anh tham gia. Mỗi tháng, anh Kính cùng 5 người khác, những người cũng từng là lâm tặc như anh, đi giám sát, tuần tra rừng khoảng 10 ngày.

Bao con suối gập ghềnh, trơn trượt, bao đỉnh núi chênh vênh trong khu rừng Pù Mát họ đều đã băng qua để đi tìm dấu vết những loài động vật hoang dã và gỡ đi những chiếc bẫy nằm len lỏi đâu đó.

Anh hiểu những mất mát của khu rừng là quá lớn. Mất mát ấy cũng bởi một phần những lỗi lầm anh và nhiều người đã gây ra trước đó. Ăn năn vì những việc làm trong quá khứ, 3 năm qua, anh Kính cố gắng làm được nhiều nhất có thể để khu rừng lại có nhiều động vật như đã từng, để trả nợ cho Pù Mát.

Trả nợ cho cuộc sống, cho khu rừng đã bị anh và nhiều người săn bắt đến cạn kiệt hẳn không phải việc dễ dàng nhưng anh Kính cùng nhóm bảo tồn cộng đồng vẫn đang cố gắng mỗi ngày vì điều đó.

Chính những mất mát của rừng, sự vắng bóng của những loài thú quý hiếm đã khiến những "cựu lâm tặc" thay đổi suy nghĩ và hành động. Hi vọng sự thức tỉnh của họ sẽ giúp con người lấy lại niềm tin với thiên nhiên để những loài thú hoang dã sẽ coi con người là bạn.

12,3 triệu bẫy dây đang đe dọa động vật hoang dã tại Campuchia, Lào, Việt Nam 12,3 triệu bẫy dây đang đe dọa động vật hoang dã tại Campuchia, Lào, Việt Nam Vệt phóng sự về bảo tồn động vật hoang dã: Phỏng vấn hơn 50 người, không dùng camera giấu kín Vệt phóng sự về bảo tồn động vật hoang dã: Phỏng vấn hơn 50 người, không dùng camera giấu kín Tiếng kêu cứu của động vật hoang dã Tiếng kêu cứu của động vật hoang dã

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước