Một tuần "nóng" chuyện môi trường: Rác ngập phố Hà Nội, Tràm Chim vắng bóng chim, cá

Quách Hằng, Quốc Thái-Thứ bảy, ngày 18/07/2020 14:36 GMT+7

VTV.vn - Một tuần của những chuyện: rác ngập Thủ đô vì bãi rác Nam Sơn bị chặn, kênh thủy lợi ô nhiễm ở Sóc Trăng hay sự đa dạng sinh học tại VQG Tràm Chim nguy cơ biến mất.

Bãi rác Nam Sơn bị chặn, Hà Nội tồn gần 10.000 tấn rác

Bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) đã hoạt động trở lại sau 5 ngày. Người dân ở khu vực này đã tự nguyện dỡ bỏ rào chắn để các xe chở rác chạy thẳng vào khu liên hợp xử lý rác Sóc Sơn - sau cuộc đối thoại với chính quyền TP Hà Nội vào chiều 17/7.

Những khu tập kết rác thải lộ thiên bất đắc dĩ đã được các công nhân thu gom rác dồn lực giải tỏa. Nỗi lo về một cuộc "khủng hoảng rác" tạm thời được lắng xuống. Tuy nhiên, không một ai dám khẳng định, nó sẽ được chấm dứt hoàn toàn bởi khi đầu vào của rác chưa được xử lý một cách triệt để, đầu ra sẽ vẫn còn đó những nỗi lo.

Một tuần nóng chuyện môi trường: Rác ngập phố Hà Nội, Tràm Chim vắng bóng chim, cá - Ảnh 1.

Rác chất đống ở phố Hào Nam, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Một tuần nóng chuyện môi trường: Rác ngập phố Hà Nội, Tràm Chim vắng bóng chim, cá - Ảnh 2.

Rác ngập các phố phường Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Chỉ trong vòng 3 ngày bãi rác Nam Sơn bị chặn, từ 13/7 đến 16/7, các quận nội thành tồn gần 10.000 tấn rác. Trong 10.000 tấn rác đó, liệu có những túi rác nào mà người dân thải ra, đã được phân loại từ nguồn? Hay công thức chung của nhiều gia đình Việt Nam khi thải rác vẫn là tất cả trong 1. Rác gì thì rác, cứ nhét vừa túi nylon, buộc lại, rồi đem đi đổ là xong!

Còn cách đây mấy tháng, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi quy định thu phí rác thải sinh hoạt theo kilogam, hướng tới mục tiêu các hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Người dân càng thải ra nhiều thì càng nộp phí nhiều hơn. Đề xuất này ngay khi đưa ra, cũng lại vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều của người dân, hoài nghi tính khả thi của dự thảo.

Thế nên, cuộc chiến với rác không chỉ là cuộc chiến về địa điểm đổ hay xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại, hiệu quả mà mấu chốt còn đến từ sự thay đổi ý thức, tư duy và thói quen của người dân về việc phân loại rác tại nguồn.

Kênh thủy lợi ở Sóc Trăng ô nhiễm vì chất xả thải

Một tuần nóng chuyện môi trường: Rác ngập phố Hà Nội, Tràm Chim vắng bóng chim, cá - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân hai bên dòng kênh phải bỏ hoang ruộng vườn vì nguồn nước ô nhiễm, không sử dụng tưới tiêu được.

Hàng ngàn hộ dân sống dọc kênh thủy lợi 18 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vô cùng bức xúc khi mà con kênh thủy lợi chính của họ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Câu chuyện này dù đã kéo dài suốt hơn 3 tháng qua nhưng cho đến bây giờ họ vẫn đang tiếp tục đều đặn mỗi ngày sống chung với tình trạng ô nhiễm ấy, ăn ngủ cũng phải đeo khẩu trang.

Vốn là con kênh thủy lợi, cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho tất cả diện tích đất nông nghiệp dọc 2 bên nhưng từ khi nguồn nước trở nên bất thường, nhiều hộ đành chấp nhận bỏ hoang, bởi nếu có canh tác thì cũng phần rủi ro sẽ cao hơn.

Còn gia đình bà Hiệp không có nước sạch để sử dụng nên bao năm qua đều sử dụng nước từ con kênh này để phục vụ cho tất thảy mọi sinh hoạt của gia đình. Nhiều tháng nay, nhìn nguồn nước ấy, bà chỉ mong trời mưa nhiều hơn để hứng được chút nước sạch.

3 tháng qua, nếu không có việc gì quá cần thiết phải ở trong nhà, những gốc cây cách xa con kênh trở thành nơi lý tưởng để người dân tạm lánh khỏi căn nhà đang bị bao vây bởi mùi hôi được để hít lấy chút khí lành.

Một tuần nóng chuyện môi trường: Rác ngập phố Hà Nội, Tràm Chim vắng bóng chim, cá - Ảnh 4.

Dòng kênh đen ngòm nhìn từ trên cao.

Giá như, nguồn nước mà biết nói năng nhưng rất tiếc, nguồn nước chỉ biết im lặng. Còn người dân chỉ biết đưa ý kiến trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri tại địa phương. Tuy nhiên, ngày nào câu chuyện chưa được giải quyết triệt để, tình trạng nguồn nước đang trong xanh bỗng chuyển đen đặc, đặc thậm chí có thêm rất nhiều bọt trắng nổi lên sau mỗi đêm, đang từ một điều bất thường, trở thành bình thường.

Người dân cho biết, tình trạng này từng xảy ra cách đây 2 năm nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã được xử lý thế nhưng lần này, sự việc đã diễn ra suốt 3 tháng nay cường độ mạnh hơn mà còn kéo dài hơn gấp nhiều lần thế nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Trong văn bản UBND huyện Châu Thành gửi lên Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng nếu rõ sau khi đi khảo sát các hệ thống kênh xung quanh KCN đã xác nhận nguồn nước ô nhiễm bắt nguồn từ kênh Hậu - con kênh nối trực tiếp với con kênh mà KCN xả thải ra. Tình trạng nước có màu đen và mùi hôi kéo dài hơn 10km. Đồng thời đề nghị Sở TNMT hỗ trợ, để kiểm tra nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN An Nghiệp. Ở thời điểm nay, công tác kiểm tra đã được thực hiện và ghi nhận trong biên bản làm việc.

Còn trên thực tế, những bất thường xảy ra tại đây vẫn đang được hàng ngàn hộ dân chứng kiến mỗi ngày.

Đánh bắt thủy hải sản bằng xung điện ngay giữa Vườn quốc gia Tràm Chim

Với diện tích hơn 7.000 ha nhưng ba bề bốn bên đều là cư dân sinh sống với dân số lên đến trên 50.000 người, áp lực của cuộc sống và sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên đất ngập nước bên trong vườn quốc gia Tràm Chim trong nhiều năm qua nên dù được bảo vệ nhưng cũng không ngăn cản được sự xâm nhập vào bên trong để khai thác tài nguyên.

Chỉ cần vượt qua con dốc nhỏ, các đối tượng đã có thể kéo thuyền nhỏ xuống dưới dòng kênh bao quanh VQG Tràm Chim.

Đại diện vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, những người xâm nhập này không chỉ đánh bắt các loài chim mà còn sử dụng xung điện để đánh bắt các loài thủy sản khiến cho nguồn lợi thủy sản đã suy kiệt càng trở nên suy kiệt hơn. Người dân xung quanh tìm mọi cách để tận diệt các loài thủy sản; biến đổi khí hậu cùng với sự thay đổi hệ sinh thái đất ngập nước đã làm cho không còn nguồn thức ăn cho các loài chim, dẫn đến mật độ cá thể của các loài chim bị giảm theo hàng năm. Nếu không kiểm soát được, trong vòng 10-15 năm nữa, sự đa dạng sinh học sẽ mất đi hoàn toàn ở vườn quốc gia này.

Môi trường luôn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với con người. Chừng nào con người còn đối xử với môi trường theo kiểu "cha chung không ai khóc", kết quả là không ai khác, chính chúng ta sẽ là những người phải rơi nước mắt.

Gần 10 năm sống chung với ô nhiễm từ các bãi rác ngập ngụa Gần 10 năm sống chung với ô nhiễm từ các bãi rác ngập ngụa Phố phường Hà Nội ngập tràn trong 'biển rác' Phố phường Hà Nội ngập tràn trong "biển rác" Dân kêu trời vì kênh thủy lợi tắc nghẽn Dân kêu trời vì kênh thủy lợi tắc nghẽn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước