Với tình hình dịch COVID-19 đang dần lắng dịu và được kiểm soát tại nhiều quốc gia, dự đoán trong năm nay, thị trường xuất khẩu lao động sẽ nhộn nhịp trở lại. Nhưng cũng chính trong bối cảnh đó, không ít lao động tìm đến con đường xuất khẩu lao động trái phép.
Đã hơn 2 năm kể từ khi con trai chị Đặng Thị Thanh theo người quen đi lao động chui ở nước láng giềng trở về. Làm việc nơi đất khách, bị chủ quỵt tiền lương, con trai chị chấp nhận về nước với 2 bàn tay trắng. Anh chị buộc phải vay nợ hơn 60 triệu đồng làm lộ phí cho con trở về.
Đến tận bây giờ, anh chị vẫn tích cóp từng đồng trả nợ, con trai thì phải vào miền Nam kiếm sống. Cả nhà đều chưa dám nghĩ tới chuyện đi xuất khẩu lao động lần nữa.
Một buổi tuyên truyền về di cư.
Không riêng chị Thanh, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, có nhiều gia đình có con đi xuất khẩu lao động hoặc có dự định đi xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, các buổi truyền thông nhóm nhỏ được Hội phụ nữ thôn và xã tổ chức.
Truyền thông nhóm nhỏ phòng chống mua bán người, nô lệ thời hiện đại và phòng chống di cư trái phép là một trong hoạt động thuộc Dự án "Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại". Dự án do Tổ chức Di cư quốc tế IOM triển khai tại Hà Tĩnh. Mục tiêu nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng giúp các cá nhân và cộng đồng có nguy cơ cao với nạn mua bán người đưa ra được các quyết định di cư sáng suốt, với thông điệp: " Nghĩ trước, bước sau".
Ngoài tỉnh Hà Tĩnh, tổ chức di cư quốc tế IOM còn triển khai dự án tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An và Quảng Bình. Đây đều là những địa phương có số lượng người đi xuất khẩu lao động cao, trong đó không ít người di cư trái phép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!