Nghịch lý trồng rừng làm gia tăng lũ lụt

Tấn Quýnh, Phạm Việt-Thứ bảy, ngày 22/10/2022 18:08 GMT+7

VTV.vn - Cùng với cơn sốt ồ ạt trồng rừng keo để lấy gỗ, hàng loạt cánh rừng tự nhiên bị thu hẹp và thay vào đó là kiểu trồng rừng kinh tế thiếu bền vững.

Điều này từng được cảnh báo từ nhiều cách đây nhiều năm nhưng đến lúc này vẫn không được chấn chỉnh, tiếp tục ẩn chứa nguy cơ gia tăng lũ lụt trong mùa mưa hiện nay. Điều đáng nói, nghịch lý này lại khá phổ biến ở miền núi các tỉnh Nam Trung bộ.

Tại miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, gỗ keo đang có giá, từ 1,2 triệu đồng/tấn giờ đã lên 1,5 triệu đồng/tấn. Vậy là nhiều người, vội vàng khai thác gỗ keo trước và ngay trong mùa mưa hiện nay. Một khi khai thác thì cưa hạ toàn bộ để bớt chi phí.

Nghịch lý trồng rừng làm gia tăng lũ lụt - Ảnh 1.

Cả ngọn đồi được trồng keo, sau khi thu hoạch, bỗng trở thành đồi trọc. Chuyện trở nên đáng lo ngại khi hầu hết các ngọn đồi ở Khánh Vĩnh đều là rẫy trồng keo. Đến lúc khai thác, hầu hết các ngọn đồi đều bị mất trắng thảm thực vật che phủ. Người dân miền núi Khánh Vĩnh giờ buộc phải chấp nhận thực tế, hễ cứ mưa thì nước sông, nước suối dâng cao.

Trồng keo lấy gỗ là sinh kế chủ lực của người dân miền núi các tỉnh Nam Trung bộ. Chỉ tính riêng 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, diện tích rừng trồng hơn 350.000 ha, chủ yếu là trồng keo. Không ít ngọn đồi trồng keo trước đây là chỗ của rừng nguyên sinh.

Nghịch lý trồng rừng làm gia tăng lũ lụt - Ảnh 2.

Đơn cử ở ngọn đồi có nửa bên này là rừng keo, nửa còn lại là rừng tự nhiên. Một sự khác biệt thấy rõ về độ che phủ cũng như khả năng giữ nước. Đó là chưa nói, trồng rừng với những loại cây như keo, chỉ 4-5 năm cho thu hoạch, đất đồi vừa mới che phủ thì rừng keo lại khai thác, trở thành đồi trọc. Lo ngại hơn, khi trồng keo, nhiều nông dân phun thuốc phát quang, dọn sạch thảm thực vật.

Kinh tế rừng là hướng đi đúng đối với miền núi nhưng nếu kinh tế rừng theo kiều trồng cây để nhanh lấy gỗ, kiếm lợi nhuận mà bỏ qua mối nguy đối với môi trường thì là điều không thể chấp nhận. Lo ngại hơn, cứ sau những cơn sốt gỗ keo lại bùng phát nạn phá rừng chiếm đất, biến rừng nguyên sinh thành rẫy để trồng rừng kinh tế. Nghịch lý trồng rừng gia tăng lũ lụt cũng vì thế mà khó chấm dứt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước