Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh buôn bán thì sinh kế, việc làm của nhiều người trong đó có các lao động ở nông thôn bấp bênh chưa từng thấy do dịch bệnh COVID-19.
Lao động trẻ vùng khó khăn: "Bán sức" không được bảo vệ, không có tích lũy
Do dịch bệnh, hàng trăm nghìn lao động đã trở về những vùng quê nghèo, trong đó phần lớn là lao động trẻ. Câu chuyện của nhiều người đã rời bản làng ra đi từ 15-16 tuổi, lứa tuổi mới chỉ tốt nghiệp THCS nay trở lại quê hương đang buộc các nhà hoạch định chính sách phải có giải pháp cho việc đào tạo nghề, tạo sinh kế cho thanh niên.
Đặc thù địa lý và phong tục tập quán của đa phần các dân tộc thiểu số là trẻ ở miền núi đã quen với lao động từ sớm và có xu hướng ngừng học giữa chừng để mưu sinh cùng gia đình. Ruộng đất ít, canh tác vất vả, đường xá xa xôi, vào tuổi 15-16, các em vào Nam rồi về xuôi làm thuê. Thiếu kinh nghiệm, vốn văn hóa ít, nhiều người bị lừa bán, bị "cò" ăn chặn tiền và sau nhiều năm "bán sức" không được bảo vệ, không có tích lũy, nay trở về với bộn bề lo toan.
Moong Văn Chiến nghỉ học từ lớp 9 và rời "lõi nghèo" Xốp Cháo đi làm tiêu và điều ở Tây Nguyên. Đi xa mấy năm, Chiến không giữ được đồng nào, ăn hết, tiêu hết. Còn năm nay, em vào tận Đồng Tháp làm thợ hồ nhưng dịch bệnh, Chiến về được nhà cũng nhờ cha mẹ gửi tiền. Ngây ngô đi làm sớm, không ít lần, tiền công bị "cò" ăn chặn hết
Phần lớn thiếu niên ở các huyện biên giới Tây Nghệ An là Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương đều bỏ học từ cấp 2 để đi làm ăn xa.
Rời bản đi vào Nam khi mới 16 tuổi, lang thang nhiều nơi, làm nhiều việc được 5 năm, Vi Văn Khánh (ở Bản Mọi, xã Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An) chưa bao giờ biết hợp đồng lao động là gì. Năm nào cũng đi vài tháng rồi về. Có việc, tiền công ngày cao thì đi, thấp thì ở nhà. Nếu không có dịch, chắc Tết Khánh mới về mà về thì chẳng biết làm gì.
Moong Văn Chiến vẫn trăn trở chuyện ở nhà làm nương giúp cha mẹ rồi năm nay lấy vợ hay lại đi tiếp. Từ đô thị ồn ào rồi về bản nghèo không đường giao thông, không sóng điện thoại, bữa ăn ngày ngày chỉ có xôi và măng ớt liệu có giữ Chiến ở lại!
Lối đi cho lao động trẻ vùng khó khăn
Câu chuyện của Chiến đặt ra 1 dấu hỏi về việc làm thế nào để hạn chế thực trạng lao động 15-16 tuổi từ vùng khó khăn, miền núi đã lang thang đi làm thuê khắp nơi rồi trở về khi sức khỏe lụi tàn, đau ốm và không tích lũy, không kỹ năng, tri thức áp dụng trở lại chốn quê nhà.
Như Chiến rời nhà đi lao động tự do từ 15 tuổi không tích lũy, mơ hồ về tương lai nhưng thật may mắn cũng ở độ tuổi ấy, em gái của Chiến đang có một cơ hội tốt đẹp hơn, chắc chắn hơn hơn nhờ học nghề.
May mắn hơn anh trai Moong Văn Chiến, học xong lớp 9, Moong Thị Hành đăng ký học trung cấp nghề điện tử ở Vinh - cách nhà gần 200 cây số. Hành là 1 trong những người đầu tiên từ vùng lõi nghèo của huyện Tương Dương đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Ở trường, Hành mới hiểu được giá trị khi người lao động có kỹ năng và cơ hội việc làm, thu nhập ổn định.
Còn từ Mù Cang Chải, Giàng A Giàng lựa chọn học nghề mộc. So với lúc mới xuống, Giàng thực sự vất vả tập nói, viết cả tiếng phổ thông và tiếng Anh. Giờ thì Giàng đã tự tin hơn khi được chọn vào lớp nghề trọng điểm theo chuẩn châu Âu. Sang năm, Giàng có cơ hội được tuyển tới Đức làm việc.
Là con lớn trong nhà, từ bé, Lý Thị Trúc (ở Bản Tái Thiều, xã Nam Lư, Mường Khương, Lào Cai) đã chăm chỉ mọi việc. Nhưng mảnh nương ngô và ruộng gừng nhỏ bé chẳng đủ nuôi cả nhà 7 người. Ở vùng cao này, chuyện nghỉ học rồi lấy chồng không hiếm. Trúc biết, sớm muộn mình cũng phải rời nhà.
Cuối cùng, Trúc chọn học trung cấp du lịch với mong muốn lên Sapa tìm việc, vừa gần nhà, vừa dễ kiếm việc. Ngoài việc được miễn học phí, ăn ở, trường còn giúp các học viên ở vùng xa có chỗ làm thêm để giảm bớt gánh nặng gia đình.
Rất nhiều học sinh ở vùng cao đã tìm được lối thoát bằng việc đăng ký học nghề từ trung cấp đến cao đẳng ngay sau khi tốt nghiệp THCS.
Chuyện hướng nghiệp, dạy nghề ở miền núi đầy khó khăn không chỉ là truyền thống, quan niệm của người dân mà còn là cơ chế. Những buổi trải nghiệm cho học sinh THCS tại các trường nghề không nhiều nhưng ít nhất sẽ giúp các em hiểu về nghề, về giá trị khi có một kỹ năng và tương lai việc làm.
Được định hướng từ sớm, được đào tạo, có nghề trong tay hẳn là các em sẽ bớt đi những chông chênh dù quyết định ở lại hay rời làng quê, và cho cả khi quyết định trở về làng.
Phân luồng học nghề để không lãng phí nguồn nhân lực
10 năm trước, Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị (khóa XI) đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Tuy nhiên, thực tế số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, nhất là học sinh dân tộc thiểu số, vào các trường nghề rất ít.
Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đã được Chính phủ phê duyệt cũng hướng tới ở những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có ít nhất 50% trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trường nghề.
Nhưng đến hiện tại, các mục tiêu đề ra đều chưa đạt và hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn rất ít lựa chọn học nghề, phần lớn trở thành lao động tự do, nguồn nhân lực vẫn đang bị lãng phí.
Ở những địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn, chuyện học hết cấp 3 rồi thi đại học hay cao đẳng vẫn là chuyện chưa phổ biến. Điều thiết thực nhất chính là việc phân luồng và định hướng nghề cho các em học sinh khi học hết cấp 2, việc học nghề gì, đảm bảo chất lượng dạy nghề hay đơn giản là vận động thuyết phục các gia đình cho con em đi học nghề là những điều căn bản và thiết thực nhất, cần được tập trung nguồn lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!