Theo WHO, 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người Việt cũng có thói quen và sở thích dùng các loại cây cỏ dược liệu hơn là lạm dụng thuốc tây. Thế nhưng, lâu nay tại Việt Nam, dược liệu không được quản lý tốt, thương lái nước ngoài thu mua tự do hoặc chỉ chế biến thô rồi xuất tiểu ngạch nên hiệu quả kinh tế thấp.
Tại Mường Lống (Nghệ An) trước đây, việc khai thác dược liệu chưa có tổ chức, không có hướng dẫn khai thác đi kèm với bảo tồn, phát triển bền vững khiến một số loài cây dược liệu quý bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao như: Cây bảy lá một hoa, trinh nữ hoàng cung, tâm thất bắc…
"Ngày trước, tôi ở nhà chỉ biết nuôi lợn, gà, trâu, bò thôi. Chẳng có thu nhập gì cả. Cây thuốc thì chỉ biết trồng xuống đất để mặc cho tự nhiên phát triển, ốm đau mới dùng rồi bán cho thầy lang chứ không ngờ nó cho thu nhập tốt đến thế" - Chị Lầu y Dở chia sẻ.
Dự án BioTrade Vietnam giai đoạn 2016-2020 do Liên minh châu Âu tài trợ với mục tiêu hỗ trợ về kỹ thuật canh tác cũng như nguồn giống đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân ổn định sinh kế cũng như góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc hữu, bản địa. Nhiều loài quý hiếm trong Danh mục Đỏ cây thuốc Việt Nam phát hiện tại Nghệ An được thu thập về trung tâm lưu giữ và nhân giống cho bảo tồn phát triển.
Trên diện tích 136 ha, người dân bắt tay cùng doanh nghiệp bước đầu đã xây dựng được vùng trồng dược liệu bán tự nhiên trên diện tích rừng Mường Lống, rừng phòng hộ đầu nguồn hình thành vùng khai thác dược liệu bền vững; xây dựng vùng trồng dược liệu thâm canh theo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!