Chuẩn bị kịch bản có 30.000 ca nhiễm không có nghĩa dự báo đợt dịch này sẽ là 30.000 ca
Chưa đầy 1 tháng, tổng số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước đã là hơn 2.100 ca tại 30 tỉnh, thành phố. Từ sự lây nhiễm trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang, ngày 10/5, lần đầu tiên Việt Nam xác lập kỷ lục ghi nhận số ca nhiễm trong nước vượt ba chữ số với 125 ca. Và liên tiếp 10 ngày nay, số ca mắc mới ghi nhận trong ngày liên tục ở 3 con số.
Điều lo ngại nhất đã xảy ra khi lần đầu tiên có tới 10 cơ sở y tế phải phong tỏa, cách ly y tế để thực hiện khoanh vùng, truy vết. Trong đó, có cả thành trì kiên cố như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh: TTXVN)
Với nhiều ổ dịch, đợt dịch này đã xuất hiện nhiều nguồn lây, như bệnh viện, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, thẩm mỹ, massage, đám cưới và cả trong khu cách ly. Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận biến thể có tốc độ lây lan mạnh nhất, là biến chủng lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ. Qua các kết quả giải trình tự gene cho thấy, các ca mắc chủ yếu mang chủng biến thể gây nhiều biến chứng này.
Đánh giá về mức độ phức tạp của đợt dịch lần thứ tư này so với các đợt dịch trước và những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định những gì phức tạp nhất của 3 đợt dịch trước đều dồn vào lần này.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 thực hiện cách ly y tế từ ngày 5/5. Ảnh: Báo Người lao động.
Ngay từ đầu đợt dịch lần này, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 có nhấn mạnh việc phải sẵn sàng cho kịch bản có 30.000 người nhiễm. Vậy cơ sở nào để đưa ra kịch bản này?
Trước câu hỏi này của phóng viên VTV trong chương trình Tọa đàm: Tấn công dập dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích: "Ngay từ những ngày đầu tiên của dịch, cuối 2019 đầu 2020, chúng ta đã đưa ra những giải pháp có tính chiến lược, phải luôn tính đến tình huống xấu nhất để cho tình huống đó không bao giờ xảy ra. Chúng ta luôn xây dựng các kịch bản nhiều tình huống, trong đó có tình huống xấu nhất. Vào tháng 2/2020, khi Việt Nam mới có vài chục ca nhiễm, chúng ta đã có kịch bản và đã diễn tập thực địa toàn quân là tính đến vài chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn ca nhiễm. Chúng ta luôn luôn nói phải sẵn sàng trong mọi kịch bản, mọi tình huống để nó không xảy ra.
Các đợt dịch trước chúng ta vẫn với tinh thần ấy. Khi đó, Ban Chỉ đạo và Chính phủ đã yêu cầu chuẩn bị cho kịch bản cụ thể 10.000 ca nhiễm. Lần này là chuẩn bị kịch bản có 30.000 ca nhiễm không có nghĩa dự báo đợt dịch này sẽ là 30.000 ca mà để tính đến mua vật tư thiết bị dự phòng cho đủ 30.000 ca nhiễm. Lý do là vì độ phức tạp của đợt dịch lần này khi các nước láng giềng dịch bùng phát mạnh, virus cũng có thêm biến chủng".
Đặt ra con số 30.000 ca nhiễm nhưng phải quyết tâm không bao giờ để cho xảy ra tình trạng 30.000 ca nhiễm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Cho đến nay, Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất. Ngay từ những ngày đầu tiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Chính phủ đã đưa ra những biện pháp quyết liệt, chiến lược khoa học và rất Việt Nam. Phát huy những kinh nghiệm từ việc đối phó thành công với 3 đợt dịch lần trước, đối mặt với đợt dịch thứ tư nguy hiểm hơn, Chính phủ nhiệm kỳ mới tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời và mang tính đột phá.
Vì sao chưa giãn cách xã hội khi số ca nhiễm COVID-19 tăng?
Việt Nam được thế giới đánh giá cao hàng đầu về cách chống dịch khoa học, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch tốt, vừa duy trì phát triển kinh tế. Cách chống dịch vừa xuất phát từ tư duy khoa học, vừa có sự quyết liệt và phương pháp rất đặc thù của Việt Nam.
Nổi bật nhất là chiến lược truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, xét nghiệm rộng xuyên suốt. Tùy từng giai đoạn, thời điểm, có điều chỉnh phù hợp với tình hình, năng lực thực tế. Nhưng quán triệt từ trước đến nay là khoanh vùng nhanh, gọn nhất có thể. Trường hợp chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn nhưng phải khẩn cấp xác định yếu tố dịch tễ để nếu có thể thì thu hẹp ngay phạm vi khoanh vùng.
Khi số ca nhiễm lần này tăng cao, nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao Việt Nam không sớm giãn cách xã hội toàn thành phố, toàn tỉnh, thậm chí toàn quốc để chặn đứt đường lây của dịch bệnh. Điều này liệu có phải chúng ta giảm mức độ quyết liệt hay là có sự thay đổi trong chiến lược chống dịch?
Câu trả lời là cả hai điều này đều không phải.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi nêu trên
Binh chủng Hóa học phun khử trùng tiêu độc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Ảnh: TTXVN)
Theo Phó Thủ tướng, về chiến lược, ngay từ đầu Việt Nam đã có một chiến lược rõ ràng, được thể hiện trong các văn bản của cả Bộ Chính trị, của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia rất xuyên suốt.
"Đến giờ phút này, chúng ta chưa có gì thay đổi những vấn đề có tính chiến lược. Ngay từ ban đầu, chúng ta xác định huy động toàn dân chống dịch. Điều này vẫn không thay đổi trong các đợt dịch. Điều thứ hai là xác định phải sớm hơn một bước và cao hơn một mức, phải lường đến tình huống xấu để tình huống không xấu đi, phải lường đến tình huống xấu nhất để tình huống xấu nhất không xảy ra. Những giải pháp được xem là nguyên tắc chống dịch - ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực - vẫn được thực hiện đầy đủ trong thời điểm hiện tại" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Nói về vấn đề giãn cách xã hội, hay cách ly xã hội, phong tỏa, Phó Thủ tướng cho biết bản chất của việc này nằm ở chữ "khoanh vùng": "Ngay từ đầu chúng ta xác định mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển sản xuất. Bởi vậy, phải khoanh vùng sao cho gọn nhất để chống dịch và vẫn đảm bảo đời sống sản xuất của nhân dân".
Đến thời điểm này vẫn có hàng vạn con người, các chiến sĩ áo xanh, chiến sĩ áo trắng rồi những người tình nguyện đủ màu áo mặc bộ đồ bảo hộ giữa tiết trời nóng bức, không ăn không ngủ để chăm lo cho những bệnh nhân và những người phải cách ly. Điều này cho thấy sự quyết tâm của toàn xã hội trong chống dịch để phục vụ mục tiêu kép - khoanh vùng dập dịch, tránh gây tổn thất đến kinh tế.
Vậy những yếu tố nào giúp Việt Nam có thể khoanh vùng hẹp nhất có thể nhưng vẫn chính xác để chặn đường lây lan của dịch bệnh?
Giải đáp thắc mắc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Nếu khoanh rộng toàn tỉnh hay cả nước thì đương nhiên những người làm công tác chống dịch sẽ nhàn hơn nhưng tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng của xã hội sẽ rất lớn. Chúng ta luôn luôn phải đi trên dây thăng bằng. Việc làm thế nào có thể khoanh vùng hẹp nhất có thể, nhưng vẫn chính xác để chặn đường lây lan của dịch bệnh luôn luôn là câu hỏi có tính cân não và rất khó cho Ban Chỉ đạo quốc gia và cho Thủ tướng Chính phủ. Từ năm ngoái đến bây giờ, luôn luôn có câu hỏi ấy được đặt ra".
Ảnh minh họa: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang
Việc vì sao trước đây phải khoanh vùng rộng hơn, còn bây giờ số ca nhiều mà chưa phải giãn cách xã hội, hay cách ly xã hội, theo Phó Thủ tướng, điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng.
"Thứ nhất là năng lực và sự hiểu biết của đội ngũ nhân viên y tế về dịch COVID-19 và virus SARS-CoV-2 đã khác xa so với ngày đầu. Ngày đầu giống như anh hùng Núp bắn Pháp chảy máu, còn bây giờ sau rất nhiều cuộc chinh chiến thì chúng ta hiểu về COVID-19 rất nhiều. Gần như những lần bùng phát dịch và đường lây của virus chúng ta có các công cụ bằng công nghệ thông tin để có thể dự báo được tốt hơn rất nhiều.
Điều thứ hai cực kỳ quan trọng là năng lực xét nghiệm của Việt Nam bây giờ đã xa so với ngày xưa, tức là khả năng nắm bắt và đuổi kịp của chúng ta tốt hơn trước rất nhiều. Cách đây 1 năm, ban đầu cả nước chỉ xét nghiệm được vài chục mẫu một ngày, đến năm ngoái có vài chục đơn vị xét nghiệm và xét nghiệm được vài nghìn mẫu một ngày. Hiện nay, như ở Bắc Giang, Bắc Ninh, 1 ngày bằng nhiều công nghệ, kể cả gộp mẫu, đã xét nghiệm được cả trăm nghìn mẫu.
Hai yếu tố đó cộng lại cho phép chúng ta kiểm soát tình hình sát hơn trước, tốt hơn trước. Giống như một cái cây có sâu ở bên trong, nếu chúng ta biết con sâu ấy đục đến đâu rồi thì phải cắt ít cành, còn ngày xưa không biết được nó đục đến đâu thì phải cắt nhiều để ngăn chặn.
Từ trước chúng ta vẫn nói là khoanh vùng gọn nhất có thể nhưng khi ấy có thể năng lực của chúng ta chưa tốt nên phải khoanh rộng hơn. Về chiến lược, hoàn toàn là để phục vụ mục tiêu kép nên không có gì thay đổi. Đến giờ phút này, chúng ta làm rất tốt khi khống chế được dịch và tăng trưởng kinh tế dương. Đến lúc nào chúng ta thấy rằng không thể không giãn cách, vì nếu không giãn cách thì bùng phát thành dịch lớn thì lúc ấy buộc phải giãn cách. Nhưng chúng ta phải luôn luôn cố gắng để không phải giãn cách nhiều nhất có thể" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để lắng nghe chi tiết hơn những phân tích của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mời quý vị theo dõi Tạo đàm: Tấn công dập dịch qua video dưới đây:
Tọa đàm: Tấn công dập dịch
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!