Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, TP Hồ Chí Minh phải chuyển đổi ít nhất 50% lượng rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp sang đốt phát điện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cho đến nay, đã là năm 2023, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt của thành phố vẫn là chôn lấp.
TP Hồ Chí Minh vẫn xử lý rác thải sinh hoạt bằng chôn lấp
Tại một nhà máy xử lý tái chế rác hiện đại nhất của TP Hồ Chí Minh, so với 4 năm trước, việc phân loại rác chủ yếu là dùng sức người thì giờ đã được tự động hóa bằng công nghệ hiện đại. Rác tái chế làm nhựa và phân bón. Nhưng lượng rác thô sau khi tái chế thì vẫn phải chôn lấp theo cách cũ. Nếu có nhà máy phát điện thì số rác này không cần đem chôn mà được đốt thành điện.
Số lượng rác phải chôn lấp chiếm tới 50% lượng rác đầu vào. Mỗi ngày có hơn 1.000 tấn rác được đưa về khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Củ Chi. Đây là số rác trơ, sau phân loại, sau tái chế còn lại, hoặc do đốt chưa hết. Sau nhiều năm tìm kiếm các giải pháp nhưng hiện nay vẫn phải xử lý chôn lấp theo cách rất thủ công.
Rác vẫn phải chôn lấp, trong khi đó, từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã công bố khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ mới. Đến năm 2020 thêm 1 dự án nữa được công bố nhưng không hiểu vì lý do gì mà mà đến nay, sau 3 - 4 năm, vẫn chưa nhà máy nào được xây dựng.
Những nhà máy xử ý rác theo công nghệ cũ vẫn đang hoạt động hết công suất, với hàng nghìn tấn rác mỗi ngày, bớt được phần gây ô nhiễm do chôn lấp thì lại gây ô nhiễm khi xả khói mù mịt.
Môi trường vẫn ô nhiễm vì công nghệ xử lý rác lạc hậu
Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố đã đạt mức hơn 9.700 tấn/ngày. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm lễ, Tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh, khoảng 10%/năm, nhưng việc xử lý rác vẫn theo cách cũ. Trong đó, 70% là chôn lấp, 30% được tái chế và đốt công nghệ cũ.
Trong số 30% rác tái chế có tới 50% lượng rác không xử lý hết vẫn phải đem chôn lấp. Như vậy, sau hàng chục năm quy hoạch, tìm kiếm giải pháp xử lý rác, đến nay công nghệ xử lý rác không có nhiều thay đổi ở thành phố này. Rác vẫn chủ yếu là mang đi chôn lấp gây nguy cơ ô nhiễm thứ phát và không đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm đã đặt ra.
Câu hỏi đặt ra là vì sao TP Hồ Chí Minh chưa thể làm được nhà máy đốt rác phát điện?
Vì sao TP Hồ Chí Minh chưa thể có nhà máy đốt rác phát điện?
Theo lý giải của Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính mà thành phố chưa thể triển khai các nhà máy đốt rác phát điện là do chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia về phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn và đang chờ xin cấp phép xây dựng theo quy hoạch.
Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn - Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Đến nay, quá trình thực hiện thủ tục, pháp lý xây dựng nhà máy đốt rác phát điện của công ty VietStar và công ty Tâm Sinh Nghĩa còn gặp vướng mắc do dự án đốt rác phát điện của hai công ty chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia về phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn. Do đó, hai công ty đang tiến hành thủ tục để xin Bộ Xây dựng cấp phép xây dựng, đang chờ quy hoạch điện VIII".
TP Hồ Chí Minh đã có những động thái đến các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương xin hòa lưới điện quốc gia cho sản phẩm điện được sản xuất từ chất thải rắn, chứ không phải sản xuất điện theo quy trình thông thường.
Theo GS.TS. Lê Huy Bá (Khoa sinh học và môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh): "Xu thế đốt rác lấy điện là một xu thế tất yếu cho một đô thị thông minh, càng sớm càng tốt chứ không thể chần chừ mãi nữa. Đô thị thông minh trong đó có vấn đề xử lý rác phải thật khoa học, thật hiện đại. Vậy đô thị thông minh phải xử lý rác như thế nào? Phải là chấm dứt việc chôn rác, mục tiêu phải đốt rác phát điện trong năm 2023".
Trong khi cơ quan quản lý chờ giấy phép thì các doanh nghiệp vẫn phải tự xoay sở với bài toán kinh doanh khi dây chuyền công nghệ đã được nhập, hạ tầng cũng đã chuẩn bị được nhiều năm, nhưng dự án thì mãi chưa được triển khai. Hiện, mỗi ngày hàng ngàn tấn rác vẫn đang được chôn lấp xuống lòng đất, hoặc được hô biến thành khói đen lên trời.
Nhà máy đốt rác phát điện đã hoạt động 4 năm ở Cần Thơ
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai các nhà máy đốt rác phát điện, điển hình là Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ. Đây là nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên đi vào hoạt động an toàn, ổn định, hoàn thành đầy đủ các giấy phép môi trường và công trình theo quy định. Những ưu điểm và cả vướng mắc, tồn tại trong thực tế hoạt động của nhà máy này chắc chắn là những thông tin rất đáng tham khảo.
Mỗi ngày, khoảng 500 tấn rác thải sinh hoạt của TP Cần Thơ sẽ được thu gom về nhà máy này để đốt rác phát điện. Rác sau khi thu gom sẽ được các xe chuyên chở về tập kết tại nhà máy rồi cho vào lò đốt liên tục.
Tính đến đầu năm nay, nhà máy này đã xử lý tổng cộng hơn 740.000 tấn rác thải, hòa vào lưới điện quốc gia hơn 219 triệu kWh điện.
Ông Chen Wei - Tổng Giám đốc Nhà máy xử lý Chất thải rắn Cần Thơ - chia sẻ: "Kể từ khi tiếp nhận rác vào ngày 15/10/2018 đến nay nhà máy chúng tôi đã có hơn 1.500 ngày đêm hoạt động ổn định không gặp sự cố nào. Được sự công nhận của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ đốt rác phát điện này là phù hợp với điều kiện xử lý rác thải sinh hoạt của Việt Nam".
Nhà máy đốt rác phát điện ở Cần Thơ do một tập đoàn môi trường ở Trung Quốc đầu tư xây dựng, có tổng thời gian hoạt động theo hợp đồng là 20 năm. Đại diện UBND TP Cần Thơ cho biết chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình đốt rác phát điện và đang có kế hoạch mở rộng thêm.
Nhưng mô hình mới bao giờ cũng có vướng mắc, chẳng hạn như ở một nhà máy khác, ngoài tro xỉ còn lại sau quá trình đốt rác được dùng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng… thì còn một phần khác là tro bay thu được từ khói thải, là loại phụ phẩm chưa từng có trong các quy định, nên 4 năm nay đã bị tồn dư hơn 11.000 tấn, vẫn đang chờ Bộ Tài nguyên - Môi trường có hướng dẫn xử lý.
Mặc dù vẫn còn những vấn đề cần phải xử lý nhưng rõ ràng là biện pháp đốt rác phát điện vẫn là phương án tối ưu nhất hiện nay trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Một thành phố văn minh không thể xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp, thậm chí ngay cả lượng rác đã chôn lấp cũng cần phải được tái xử lý.
UBND TP Hồ Chí Minh hiện đang chỉ đạo các đơn vị của thành phố đốc thúc triển khai các dự án đốt rác phát điện, đồng thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện hồ sơ, đề án để tham gia vào hoạt động đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại có công suất 1.000 tấn/ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!