Mưa lớn kéo dài nhiều giờ suốt từ đêm 20/7 đến trưa 21/7 tại Hà Giang đã gây ra lũ quét, sạt lở đất khiến 5 người chết, 2 người bị thương, 2 nhà máy thủy điện trên địa bàn bị đất đá vùi lấp phải dừng hoạt động, thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu.
1 ngày sau khi nước rút tại tổ 6, phường Quang Trung - khu vực chưa từng xảy ra thiên tai trước đó, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Những căn nhà tuy ở dưới núi đều được phủ xanh bằng cây cối, không hề có hiện tượng xói mòn nhưng lượng mưa tới 347mm trong chưa đầy 1 ngày đã biến khu vực trũng thấp chìm trong nước.
Không chỉ ở Hà Giang, những trận mưa lớn cực đoan, lũ kinh hoàng cũng đang gia tăng trong những năm gần đây.
Mưa lũ vùng núi bất thường 5 năm qua
Đầu tháng 8/2019, ở Sa Ná - Quan Sơn, Thanh Hóa mưa lớn trút xuống liên tục, hơn 3 ngày lên tới 440mm, riêng rạng sáng 3/8/2019, mưa dồn dập chỉ 6 tiếng đã mưa trên 200mm. Hệ quả, cơn lũ dữ cao tới 10 mét chỉ trong 15 phút cuồn cuộn đổ về cuốn phăng hàng chục ngôi nhà, xóa sổ bản Sa Ná, 16 người chết và mất tích.
Lũ quét hiếm gặp ở Sa Ná - Quan Sơn, Thanh Hóa tháng 8/2019.
Trước đó, tháng 8/2017, tại Mù Căng Chải mưa cả tháng trời không dứt, tổng lượng mưa lên tới trên 500mm. Đến rạng sáng 3/8, suối Kim Nọi vốn là suối cạn bỗng ồ ạt nước về cuốn theo đất đá đã quét sạch nhà cửa, cây cối dọc đường đi. 14 người thiệt mạng và mất tích.
Lũ quét, sạt lở đất có quy mô nhỏ nhưng số người thiệt mạng lại lớn hơn nhiều so với các loại hình thiên tai có quy mô lớn khác như bão. Điển hình như năm 2019 vừa qua, chỉ tính riêng lũ quét, sạt lở đất ở miền Bắc, miền Trung đã có tới 33 người thiệt mạng. Trong khi đó, tới 8 cơn bão ảnh hưởng nước ta nhưng số người thiệt mạng chỉ bằng 1/3.
Khó khăn trong công tác dự báo mưa lớn
Mưa lớn là một trong những thiên tai khó dự báo nhất. Khi mưa lớn gây ra bởi một hệ thống quy mô lớn, xảy ra trên diện rộng thì có thể dự báo sớm được trước 2-3 ngày. Với các đợt mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa phổ biến cho từng khu vực có thể dự báo được.
Tuy nhiên, trong các đợt mưa lớn trên diện rộng lại thường xuất hiện 1-2 điểm mưa có lượng mưa cao hơn hẳn so với nền chung vì lượng mưa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố địa phương như địa hình, đặc biệt là những vùng núi cao, thung lũng hoặc mặt đệm như hồ ao, sông ngòi, lớp phủ thực vật.
Đơn cử như ngày 20/7/2020 và 21/7/2020, ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ đã xảy ra một đợt mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Hà Giang đã có mưa rất to với lượng mưa xấp xỉ 350mm trong 24 giờ.
Đường biến thành sông sau hai ngày mưa lớn ở Hà Giang.
Nguyên nhân của những lượng mưa cá biệt này do sự tương tác phức tạp giữa địa hình, mặt đêm và hoàn lưu khí quyển nên việc dự báo định lượng các trị số lượng mưa cục bộ là nơi xảy ra lượng mưa cục bộ, lượng mưa lịch sử, cực đoan là một thách thức vô cùng to lớn, không chỉ với khí tượng thủy văn Việt Nam mà còn với các nước tiên tiến trên thế giới.
Vì vậy, phải sử dụng các lớp thông tin dự báo khác nhau, từ dự báo xa tới cảnh báo tức thời để lên kế hoạch và triển khai các công tác phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ứng phó với thiên tai không gì tốt hơn là sự chủ động tự bảo vệ. Vì thiên tai xảy ra rất nhanh, nếu trông chờ vào chính quyền hay lực lượng cứu hộ, hậu quả sẽ không thể lường trước được.
Người dân Hà Giang chủ động trong mưa lũ kỷ lục
Tại tổ 6, phường Quang trung, thành phố Hà Giang, dù là lần đầu tiên hứng chịu lũ ống dữ dội nhưng không có thiệt hại về người. Tính chủ động của người dân đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Dòng nước lũ hung hãn liên tục đập thẳng vào tường nhà. Giữa lòng thành phố, nước lũ chảy cuồn cuộn qua các gian nhà không khác gì lũ ngoài sông. Nhiều tài sản trong nhà đều bị cuốn trôi. Con người cũng khó đứng vững trước dòng lũ dữ. Nhưng mọi người đều đã an toàn nhờ tính chủ động và phản ứng nhanh của người dân ngay từ khi bắt đầu mưa lớn.
Bà Trần Thị Vụ (Tổ 6, phường Quang Trung) cho biết: "Chúng tôi thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết. Khi thấy nước dâng lên rất nhanh, chúng tôi cũng ngay lập tức ngắt cầu dao điện để đảm bảo an toàn. Sau đó kê các đồ dùng lên cao và lên tầng. Trẻ em, người lớn tuổi cùng gia đình chạy lên tầng cao để tránh trú an toàn".
Không chỉ nắm chắc các công việc cần làm khi có lũ, người dân còn nhận thức rất rõ về sự nguy hiểm của lũ.
"Chúng tôi chỉ biết chạy con người trước đã, còn tài sản thì sau đó cứu vớt gì thì vớt. Nhìn dòng thác chảy quá mạnh, nhìn thấy tài sản của mình trôi nhưng không ai dám chạy ra để cứu vớt vì bản thân ông chồng tôi chạy ra đã bị trôi mấy chục mét, may mà còn kéo lại được" - bà Nguyễn Thị Thoa nhớ lại đợt mưa lũ vừa qua.
Lực lượng chức năng Hà Giang đưa người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn.
Câu chuyện của những người dân này đã chứng minh nhận thức và tính chủ động thực sự quan trọng để bảo vệ tính mạng và giảm thiệt hại trong thiên tai. Đây là bài học thiết thực cần được nhân rộng.
Trước diễn biến thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa lũ sắp tới, để thích ứng, mỗi người dân cần hiểu rõ về thiên tai, biết cách chủ động ứng phó. Tổng Cục Phòng chống thiên tai đã đưa ra một số khuyến cáo và tư vấn:
1. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo thời tiết mưa, lũ quét trên tivi, đài, loa phát thanh.
2. Luôn đề phòng khi có những dấu hiệu lũ quét, quan sát, ghi nhớ, chỉ dẫn cho các thành viên biết các vị trí an toàn có thể trú tránh, nhất là các vị trí cao.
3. Chạy thật nhanh ra khỏi hướng dòng chảy lũ, bằng mọi cách thông tin cho các thành viên trong gia đình và người xung quanh biết.
4. Nếu phát hiện các đập tạm, bọng nước cần báo ngay cho cơ quan chức năng.
5. Không được làm nhà, lán trại ven sông, ven suối, ven chân núi.
6. Không được đánh cá, vớt củi, lội qua sông suối khi đang có lũ quét.
7. Không đi qua các ngầm tràn khi có lũ quét.
8. Không tự ý đắp bờ, đập ngăn tạm trên các khe suối.
Dự báo, từ đêm 26 - 29/7, miền Bắc bước vào đợt mưa diện rộng mới. Cảnh báo các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang tiếp tục là trọng tâm mưa lớn. Không loại trừ khả năng mưa to cục bộ như ở Hà Giang vừa qua. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Dự báo từ nay tới tháng 10, tại miền Bắc, lượng mưa vẫn xấp xỉ trung bình nhiều năm, các đợt mưa lớn ở miền Bắc sẽ tập trung vào tháng 8 - 9. Miền Trung mưa dài hơn, đến tháng 11. Trong đó tháng 10 - 11 là cao điểm mưa lớn, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Riêng ở Nam Trung Bộ mưa đến tháng 12. Đề phòng các đợt mưa lớn kéo dài và có lượng mưa đặc biệt lớn gây lũ quét, sạt lở đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!