Một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này là phải tạo việc làm cho mọi người lao động ở mọi hoàn cảnh, mà cụ thể là việc làm phù hợp, ưu tiên tạo việc làm cho từng hộ nghèo, cận nghèo đã và đang được triển khai ở các địa phương giúp hàng triệu người nghèo dần có tích lũy tiến tới thoát nghèo.
Từ khi lập gia đình đến giờ, cả vợ chồng Hoàng Thị Mến chỉ thay nhau đi làm thuê vì ruộng vườn quá ít. Không có tích lũy, trước đây, Mến chỉ loanh quanh cơm nước cho 2 con đi học nhưng giờ đã có việc làm là trồng cỏ voi và chăm 3 con trâu. Vài tháng nữa, bán lứa này, Mến sẽ vay thêm vốn, gọi chồng trở về.
Nếu chỉ trồng ngô và mía như các hộ trong thôn, có lẽ anh Minh đã rời quê đi làm công nhân. Để thoát nghèo, anh thường xuyên tham gia các lớp khuyến nông để học hỏi và quyết định vay vốn chính sách mua phân bón, cây giống cải tạo cả vườn ngô thành vườn cam bưởi, mỗi năm mang lại khoảng 300 triệu đồng.
Mỗi hoàn cảnh, mỗi hộ nghèo, người nghèo đang được hỗ trợ tạo việc làm thỏa đáng, phù hợp với thực tế bởi đây là hướng đi đúng nhất trong giảm nghèo.
Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội.
Việc làm là yếu tố quan trọng trong chính sách xã hội của Việt Nam và đang được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với phát triển quản lý xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội, đúng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TW 8 khóa XIII là "An sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu nhất xảy ra trên diện rộng, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!