TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tây Nguyên thích ứng với nắng hạn

Ngọc Thuý, Thanh Ngọc, Hoàng Tuyền, Quang HưngCập nhật 16:31 ngày 14/03/2024

VTV.vn - Từ kinh nghiệm chống hạn nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang dần thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước cho cây trồng và vật nuôi.

Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm đến 91,75% diện tích đất tự nhiên của cả khu vực. Với diện tích đất phục vụ sản xuất lớn như vậy, vừa là lợi thế nhưng cũng vừa là thách thức không nhỏ khi khu vực này đang trong giai đoạn đỉnh điểm mùa khô, và được đánh giá là khốc liệt nhất trong nhiều năm qua, nhiều địa phương không có cơn mưa nào suốt 2-3 tháng qua.

Mùa khô ở Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng 5 và hiện đã bước vào giai đoạn cao điểm. Tại nhiều nơi, người dân đang đối mặt với việc thiếu nước tưới cho cây trồng, sinh hoạt và chăn nuôi. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như mô hình tưới nước tiết kiệm là rất cần thiết, được các địa phương khu vực Tây Nguyên khuyến khích nông dân thực hiện, nhất là đối với những nơi thường xuyên đối mặt với khô hạn cục bộ.

Cùng với đó, vì lưu lượng nước về các hồ chứa đạt thấp so với trung bình nhiều năm do hiện tượng El Nino, một số công ty thuỷ điện đang thực hiện giải pháp tối ưu để đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất dựa vào nhu cầu mùa vụ của các địa phương, vừa đảm bảo phát điện mùa khô.

Theo dự báo, việc điều tiết nước chống hạn có thể giúp người dân tưới đủ cho cây trồng đến cuối tháng Tư năm nay. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp ứng phó như: nạo vét lòng sông, tạo kênh dẫn, tranh thủ bơm nước vào ban đêm khi thuỷ điện xả nước; lắp đặt trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước nhằm hạn chế thiệt hại đến sản xuất.

Bên cạnh phải đảm bảo nguồn nước, mùa khô là thời điểm lượng thức ăn xanh tại các cánh đồng tự nhiên dần thu hẹp, nguồn thức ăn tươi cho đàn gia súc trở nên khan hiếm. Đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên đang dần thích ứng với việc đảm bảo nguồn thức ăn và sức khoẻ cho đàn gia súc trước tình hình nắng hạn kéo dài, hạn chế các ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Đàn gia súc tại Tây Nguyên hiện có hơn 800.000 con. Bên cạnh phương thức chăn thả, nhiều nông hộ đã liên kết xây dựng các trang trại tập trung chất lượng cao. Đây cũng là một trong những cách tránh được nhiều rủi ro về sức khoẻ gia súc, nhất là thời điểm nắng nóng.

Bên cạnh dự trữ rơm và quản lý tốt bệnh tật, để đảm bảo chất dinh dưỡng cho gia súc mùa khô nhưng vẫn tiết giảm được chi phí, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã học cách chế biến nguồn thức ăn từ những phế phụ phẩm nông nghiệp.

Chuyển dần từ chăn thả sang chăn nuôi chuồng trại khép kín, dự trữ rơm và tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào làm thức ăn dinh dưỡng, sức khoẻ đàn gia súc được đảm bảo trước tình hình nắng hạn kéo dài.

Ngoài ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc mùa khô, và cung cấp đủ nước cho cây trồng, để thích ứng với biến đổi khí hậu, cần nhiều giải pháp phát triển xanh cho các vùng nguyên liệu, đặc biệt là các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng cũng đang được các địa phương Tây Nguyên chú trọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Du lịch Đà Nẵng kích cầu thu hút khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

VTV.vn - Nhằm thu hút khách dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài 5 ngày sắp tới, các điểm đến tại Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều sản phẩm mới và chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn.