Người lao động khi đã vào được biên chế Nhà nước mặc nhiên được công tác cho đến khi nghỉ hưu, nếu không bị kỷ luật tới mức phải sa thải thì lao động trong cơ quan Nhà nước ung dung làm việc mà không nhất thiết phải cống hiến. Cách quản lý như vậy đã tạo ra sức ì rất lớn cho bộ máy, để rồi bộ máy đông nhưng không mạnh, nhiều nhưng không chất, năng suất lao động vào diện thấp nhất khu vực. Cũng bởi thế Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương vừa qua đã có chủ trương cần có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời".
11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách và các khoản có tính chất tương tự như lương, trong đó có 265.000 biên chế công chức. Có những cán bộ làm một công việc đến chục năm, thậm chí là vài chục năm mà không lo bị thay thế ngay cả khi hiệu quả, chất lượng công việc không cao.
Nói về sự cồng kềnh của bộ máy và chất lượng của nhân sự trong các cơ quan Nhà nước, trên các diễn đàn, nhiều người đã ví von "30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Còn mới đây, Kiểm toán nhà nước cũng đưa ra con số, đang có hơn 57.000 biên chế dư thừa trong các cơ quan nhà nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!