TikTok bỗng nhiên bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong bối cảnh đối đầu trong mặt trận công nghệ tăng nhiệt, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể phải đối mặt với những thay đổi lớn trong mối quan hệ.
TikTok hoang mang đứng giữa hai sự lựa chọn khó khăn
Internet và công nghệ vốn là niềm tự hào của Mỹ. Nhắc đến những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới thì hầu hết đều là của Mỹ, điển hình như Google, Amazon, Microsoft và Facebook. Trong khi đó, TikTok là công ty Trung Quốc đầu tiên đạt bước đột phá trên thị trường toàn cầu theo cách mà Alibaba, Baidu hay Tencent chưa thể đạt tới. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ Trump chắc chắn không muốn để mất vị thế này, đặc biệt là vào tay Trung Quốc
Chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một loại bước đi nhằm siết chặt TikTok như ký sắc lệnh cấm mọi giao dịch giữa Mỹ với ByteDance - công ty Trung Quốc sở hữu TikTok; cấm nhân viên, sĩ quan, các nghị sĩ và nhà thầu liên bang tải hoặc sử dụng TikTok; buộc TikTok phải chấp nhận để Microsoft mua lại trước ngày 15/9...
ByteDance - công ty mẹ của TikTok (Ảnh: AP)
TikTok đang đứng trước lựa chọn khó, chấp nhận bán mình để được ở lại thị trường Mỹ hoặc chịu cấm vận.
Theo chuyên gia kinh tế Sara Hsu tại Đại học Fudan, một số người coi vấn đề TikTok chỉ là hy hữu vì không có nhiều công ty phần mềm lớn của Trung Quốc có sự hiện diện tương tự ở Mỹ. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ tạo tiền lệ cho các công ty Trung Quốc khác muốn hoặc đang kinh doanh ở Mỹ, cho thấy rằng đối với những công ty đó, rủi ro chính trị gia tăng và kéo theo chi phí kinh doanh ở Mỹ tăng lên rất nhiều.
Trung Quốc đã lên án hành động của Mỹ đi ngược lại những nguyên tắc của kinh tế thị trường và các nguyên tắc cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử của WTO. Trong khi đó, TikTok cho biết vẫn chưa có ý định rời thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu muốn ở lại Mỹ, TikTok phải chấp nhận những yêu cầu Tổng thống Trump. Và Trung Quốc chắc chắc sẽ không đứng yên khi đây không đơn thuần là vụ việc giữa 1 công ty và Mỹ nữa, mà là cuộc so kè mới giữa hai quốc gia.
"Cuộc chiến sinh tử" trong lĩnh vực công nghệ
Trên truyền thông của hai nước, sức nóng về vụ việc TikTok đang cực gắt. Phía Trung Quốc gọi quyết định của Mỹ về vụ TikTok là một điển hình của "chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực công nghệ".
Tờ China Daily của Trung Quốc ngày 4/8 còn cảnh báo, Trung Quốc có nhiều cách đáp trả vì quốc gia này không còn cách nào khác ngoài việc phải lao vào một cuộc chiến sinh tử trong lĩnh vực công nghệ với Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin khẳng định: "Cách tiếp cận của Mỹ không có cơ sở thực tế nào cả. Đó rõ ràng là sự bôi nhọ và thao túng chính trị. Mục đích là duy trì sự độc quyền của họ đối với các ngành công nghệ cao. Đó là một hành động bá quyền điển hình".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo lại cho rằng: "Chúng tôi muốn các ứng dụng không đáng tin cậy của Trung Quốc bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng của Mỹ. Các ứng dụng như TikTok, WeChat và những ứng dụng khác là mối đe dọa đáng kể đối với dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ".
Về phía TikTok, Giám đốc điều hành Zhang Yiming cho biết: "Chúng tôi luôn cam kết về sự an toàn của người dùng, tính trung lập của nền tảng và tính minh bạch. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu quyết định của Mỹ, đặt trong môi trường vĩ mô hiện tại".
Người dân Mỹ nghĩ sao?
Với người dân Mỹ, điều mà họ quan tâm hơn cả là an ninh dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của mình. Đó cũng chính là lý do mà chính quyền Mỹ luôn nhấn mạnh đến yếu tố này trong các tuyên bố hay sắc lệnh công khai của mình.
Cũng như các ứng dụng mạng xã hội khác, Tik Tok thu thập và kinh doanh khối lượng khổng lồ giữ liệu người dùng. Với khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ, tức là chiếm tới gần 1/3 dân số Mỹ, trong đó phần lớn là giới trẻ.
Giới chức Mỹ lo ngại các dữ liệu này của TikTok có thể bị Chính phủ Trung Quốc sử dụng, rồi thông qua TikTok cho phép lan truyền những thông tin không có lợi cho chính quyền Mỹ, hay nói cách khác là gây ảnh hưởng chính trị tới dư luận Mỹ, đặc biệt là khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần.
Ở góc độ người dùng TikTok tại Mỹ, đặc biệt là các TikToker, lo ngại bị ảnh hưởng bởi đòn đánh vào TikTok cũng phần nào được giải quyết khi Facebook vừa tung ra ứng dụng với tính năng tương tự trên Instagram. Thông tin về việc Microsoft đang đàm phán mua lại TikTok đang trở thành chủ đề được quan tâm tại Mỹ và thậm chí cả trên toàn cầu.
Trung Quốc phản ứng thế nào?
Với quyết định gần đây của Chính phủ Mỹ, công ty sở hữu ứng dụng TikTok hiện chỉ có hai lựa chọn. Một là bán lại cho công ty nước ngoài và thu được một khoản tiền đã đầu tư. Hai là chấp nhận rút khỏi thị trường Mỹ, thậm chí là phải rút khỏi thị trường thế giới do ứng dụng này có thể bị loại khỏi kho ứng dụng trên Apple và Android do công ty Mỹ sở hữu.
Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều khả năng công ty sở hữu ứng dụng TikTok sẽ phải bán lại mảng kinh doanh ở thị trường Mỹ để thu hồi vốn. Nếu vậy, đối với một số người Trung Quốc, đây là điều khó chấp nhận. Họ cho rằng, như vậy sẽ mất hết dũng khí, khuất phục trước sức ép của Mỹ. TikTok nên học tập tập đoàn Google trước đây, thà rút khỏi thị trường nhưng không chấp nhận các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Họ cũng hy vọng, nếu TikTok rút khỏi thị trường Mỹ, giới trẻ Mỹ sẽ bị tổn thương và họ sẽ có phản ứng với chính phủ Mỹ. Như vậy, Trung Quốc sẽ có cơ hội giành được tình cảm của người dân Mỹ.
Tuy nhiên, một số người Trung Quốc khác đã bày tỏ sự đồng cảm và chia sẽ nếu công ty buộc phải bán lại cho phía Mỹ.
Huawei cũng từng mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung
Trước TikTok, Huawei là cái tên nổi bật trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Và không chỉ có hai công ty này, trong cuộc đối đầu hiện nay, sẽ còn nhiều hãng công nghệ nữa bị gọi tên. Mỹ đã tiến hành phong tỏa về thị trường, công nghệ, nguồn vốn và cả nguồn nhân lực đối với nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc. Không chỉ vậy, Mỹ còn gây sức ép cho các đồng minh làm điều tương tự.
Và trong thời gian tới, sẽ còn nhiều công ty công nghệ cao nữa của Trung Quốc bị Mỹ phong tỏa bởi cạnh tranh về công nghệ là một trong những nội dung cốt lõi của cạnh tranh nước lớn. Duy trì ưu thế về công nghệ không chỉ đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế mà còn chiếm ưu thế về quân sự.
Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu đã nhận thức sâu sắc nguy cơ này và đã có sự chuẩn bị. Trước mắt, ứng phó với các biện pháp phong tỏa công nghệ của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc hiện chỉ dừng lại ở tuyên bố phản đối và không thực hiện "ăn miếng trả miếng" như trong các lĩnh vực khác. Bởi Trung Quốc đang nỗ lực giữ các công ty nước ngoài ở lại để đảm bảo việc làm và quốc gia này cũng không có nhiều con bài về công nghệ để đáp trả.
Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng tự chủ về công nghệ, đặc biệt là các công nghệ cốt lõi. Về phía công ty, một số công ty công nghệ do người Trung Quốc phát triển đã chủ động tách khỏi liên hệ trong nước để tránh bị Mỹ phong tỏa, điển hình như công ty sở hữu ứng dụng họp trực tuyến nổi tiếng Zoom.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!