Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần hành động nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn trước thách thức của cuộc cách mạng CN lần thứ 4

P.L-Thứ bảy, ngày 24/09/2016 11:33 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, chưa đủ để vượt qua những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

VTV.vn - Diễn đàn Cấp cao CNTT - TT Việt Nam 2016 đã chính thức khai mạc với khách mời đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Summit 2016) với chủ đề Cách mạng Số - Cơ hội và thách thức mang tới nhiều chia sẻ, trao đổi về các giải pháp tận dụng thời cơ của Cách mạng Số trong các vấn đề khởi nghiệp, hạ tầng CNTT, an toàn thông tin, nhân lực, IoT và thành phố thông minh. Diễn đàn có sự tham gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành từ Trung ương đến địa phương và hơn 500 đại biểu cấp cao đến từ các cơ quan quản lý, tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu về CNTT.

Phát biểu trong phiên khai mạc của diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ biểu dương sáng kiến của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Bộ Thông tin và Truyền thông khi tổ chức một diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực, hiệu quả vào việc xây dựng chiến lược và các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhân loại đang bước sang giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được dẫn dắt bởi những sáng tạo công nghệ vượt bậc, đặc biệt là nhờ sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tinInternet. Sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số và xã hội thông tin sẽ làm biến đổi sâu sắc và nhanh chóng các hệ thống kết cấu xã hội và nền kinh tế toàn cầu, tác động mạnh mẽ, toàn diện lên mọi mặt đời sống con người từ hoạt động sản xuất đến lối sống, sinh hoạt văn hóa ở tất cả các cấp độ, từ phạm vi toàn cầu đến khu vực, quốc gia và từng tổ chức, cá nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải nhận thức đầy đủ về những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt: nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (như dệt may, da giày…) sẽ mất lợi thế cạnh tranh, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí bị đào thải; nhiều người dân, đặc biệt là những người lao động phổ thông, sẽ lâm vào tình trạng thất nghiệp; nguy cơ bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Theo Thủ tướng, để thành công, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần phải vượt qua được những thách thức kinh tế xã hội cơ bản này. Với không ít lợi thế cạnh tranh về phát triển công nghệ thông tin và lợi thế nguồn lực "dân số vàng", Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm bắt được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, có chương trình hành động cụ thể, kịp thời và triển khai thực thi quyết liệt, hiệu quả.

Thực tế cho thấy với những bước tiến khá nhanh về phát triển công nghệ thông tin, Việt Nam đã có thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, trong đó xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài, đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Ngoài ra, năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên Hợp Quốc xếp hạng thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, đứng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015. Bên cạnh những doanh nghiệp CNTT trong nước được thế giới biết đến như Viettel, FPT, VNPT cùng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này, Việt nam còn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đầu tư công nghệ cao từ các hãng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Intel, Toshiba, Samsung…

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, chưa đủ để vượt qua những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Do đó, Thủ tướng Chính Phủ khẳng định cần phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tạo cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Diễn đàn Cấp cao CNTT - TT Việt Nam 2016, cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ và giải pháp bao gồm:

1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin phải là yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trước hết là khu vực nhà nước, mọi công trình, dự án đầu tư công và phải được thể chế hóa bằng pháp luật; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam thành trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và Trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới.

2. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ nhất là các công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển; gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo đại học và trên đại học; tạo lập các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, vườm ươm doanh nghiệp trong các trường đại học, viện nghiên cứu.

3. Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số; xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế.

4. Phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế "dân số vàng" thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp với các xu hướng công nghệ SMAC và IoT, Việt Nam phải trở thành một trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số thế giới. Tuy nhiên, trước hết phải thực hiện mạnh mẽ, triệt để cải cách hệ thống giáo dục đào tạo; ưu tiên đào tạo các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật; tăng cường đạo tạo về công nghệ thông tin trong các ngành, các lĩnh vực và các cấp học; đưa lập trình vào dậy từ bậc học phổ thông, tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ thứ 2, tiến tới phổ cập tiếng Anh; phát triển mạnh các mô hình, phương thức đào tạo mới trên nền tảng ứng dụng Internet để tạo thêm cơ hội học tập mọi nơi, mọi lúc cho người dân.

5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng nhanh cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan Nhà nước và tiếp cận dịch vụ công; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

6. Đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, mọi doanh nghiệp dễ dàng và bình đẳng trong việc tiếp cận với các cơ hội số, cơ hội phát triển; chú trọng công tác an ninh, an toàn thông tin; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thông tin; hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thông tin mạng.

7. Từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đi đầu là các đô thị lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường, đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại, nâng cao chất cuộc sống cho người dân.

8. Toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số đồng thời quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Theo Thủ tướng, đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.

Với quyết tâm cao nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn thể người dân Việt Nam trên mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài đoàn kết một lòng, vững tin chung tay góp sức cùng Chính phủ nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát huy tốt tiềm năng lợi thế, nhất là về công nghệ thông tin, đưa Việt Nam tiến cùng thời đại.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước