Những căn hộ chỉ có giá từ vài trăm triệu tới hơn 1 tỷ đồng, đang được ráo riết tìm kiếm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận, nơi phát triển mạnh các khu công nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, giá nhà thương mại tăng nhanh, nên các dự án nhà ở xã hội, với giá bán hợp lý, hết sức được người dân mong chờ, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội. Luật Nhà ở mới có hiệu lực từ 1/8 vừa qua, các ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, với các cơ chế rộng mở như: được miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế giá trị gia tăng, được dành tỷ lệ tối đa 20% diện tích để kinh doanh, làm nhà ở thương mại. Nhiều thủ tục được rút gọn khi doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cũng như thủ tục đề nghị miễn. Những ưu đãi rõ ràng đã thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động tham gia xây nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp chủ động làm nhà ở xã hội
Từ những ưu đãi, thuận lợi trong quá trình xây dựng nên nhiều doanh nghiệp đã chủ động đề xuất làm nhà ở xã hội.
1 trong 6 dự án nhà ở xã hội đã được Hà Nội phê duyệt trong giai đoạn đến năm 2025, nằm đối diện với khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự kiến sau khi hoàn thành 6 toà nhà ở xã hội sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 căn hộ, đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân.
Khu đất sạch, đã giải phóng mặt bằng, rộng khoảng 3ha tại huyện Thạch Thất, Hà Nội của công ty ông Cường đã có sổ đỏ, nằm trong khu vực đang phát triển của thủ đô. Mới đây, doanh nghiệp đã không ngần ngại đề xuất với thành phố xin được xây 1 khu nhà ở xã hội tại đây, thay vì làm nhà ở thương mại vốn thường mang lại lợi nhuận cao hơn. Một phần do ông nhìn thấy những ưu đãi, thuận lợi trong quá trình xây dựng.
"Việc lên bài toán kinh tế cho làm sao cho phù hợp hài hoà giữa lợi ích của công ty, của địa phương, lợi ích của người dân khi tiếp cận dự án này đấy là cái khó khăn nhất. Chúng tôi cũng mất nhiều thời gian để nghiên cứu vấn đề này. Từ lúc chúng tôi có ý tưởng làm nhà ở xã hội theo chủ trương của thành phố thì chúng tôi được tạo điều kiện rất nhiều, chúng tôi chuẩn bị thi công cuối năm sau", ông Phạm Văn Cường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Hưng cho hay.
Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP Hà Nội thông tin: "Khi Luật nhà ở 2023, chủ đầu tư được dành 20% đất ở của dự án để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, giúp chủ đầu tư thu hồi vốn nhanh hơn".
Ngoài được hưởng những ưu đãi về chính sách, doanh nghiệp xây nhà ở xã hội còn được vay gói tín dụng 120.000 tỷ, với lãi suất thấp hơn cho vay thương mại thông thường. Doanh nghiệp của ông Dũng tại Bắc Ninh đã vay 120 tỷ đồng từ gói này, giúp 2 toà chung cư nhà ở xã hội nhanh chóng được xây dựng và đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Với giá bán 16 triệu đồng/m2, ông Dũng cho biết, tất cả các căn hộ đã được bán hết.
Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cát Tường cho biết: "Khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội với gói vay 120.000 tỷ, thì các dự án nhà ở xã hội phát triển được thuận lợi hơn rất nhiều. Chính sách cởi mở hơn về phát triển nhà ở xã hội, một số thay đổi trong luật mới giúp các dự án có thêm biên độ lợi nhuận cũng thúc đẩy các nhà đầu tư hơn".
Theo quy định của Luật Nhà ở mới, điều kiện mua nhà ở xã hội cũng đã được nới lỏng hơn, rất thuận lợi cho người mua nhà. Điều này đã giúp các chủ đầu tư tăng sự hứng khởi, khi hàng làm ra đến đâu, gần như bán hết tới đó.
Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội
Các vướng mắc của từng dự án đang được các sở, ngành tập hợp, xem xét và xử lý sớm, nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp.
Trong các tuyến bài trước, chúng tôi cũng đề cập tới việc các điều kiện mua nhà ở xã hội cho người dân cởi mở hơn. Ví dụ trong Luật Nhà ở mới đã cho phép người ở Hà Nội được mua nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh và chỉ cần xác nhận chưa có nhà tại đây. Bởi vì theo quy định cũ, ngoài đáp ứng tiêu chí về thu nhập, người dân còn phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội tại địa phương đó. Còn hiện nay thì chỉ cần chứng minh chưa có nhà ở là có thể mua được.
Luật mới cũng lấy mốc thu nhập hàng tháng dưới hoặc bằng 15 triệu đồng, hoặc tổng thu nhập 2 vợ chồng dưới hoặc bằng 30 triệu đồng là đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai một số dự án nhà ờ xã hội vẫn đang gặp các vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Nằm giữa khu dân cư đông đúc tại quận Ba Đình, Hà Nội, khu đất vốn là dự án đầu tư xây nhà ở để bán cho đối tượng thu nhập thấp công an quận Ba Đình từ hơn 10 năm trước. Hiện dự án đang được thành phố xem xét chuyển sang làm nhà ở xã hội, với 77 căn hộ. Lâu ngày, cây cối mọc um tùm, vô tình trở thành nơi tập kết rác thải, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh.
"Đất này để hoang từ ngày tôi về đến giờ cũng khoảng 40 năm rồi, người dân ở đây rất mong muốn nếu có dự án mà được triển khai để khu đất xanh sạch đẹp, người dân không vứt rác làm ô nhiễm môi trường", ông Ngô Chí Yên, quận Ba Đình, TP Hà Nội chia sẻ.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, lý do dự án này kéo dài nhiều năm vì dù mảnh đất nằm ở vị trí trung tâm thành phố, nhưng đường vào lại quá hẹp. Cụ thể, lối vào chỉ khoảng 2 xe máy đi vào tránh nhau, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy là đường vào phải rộng 3,5 mét.
Ông Nguyễn Thái Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hà Nội cho hay: "Chúng tôi cũng kiến nghị UBND Thành phố, UBND quận sớm tổ chức mở rộng lối giao thông liên quan đến trục để tiếp cận dự án".
Đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, tổng số các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố là 69 dự án. Vướng mắc của từng dự án đang được các sở, ngành tập hợp, xem xét và xử lý sớm, nhằm tăng thêm nguồn cung. Ngoài ra, thành phố cũng tính tới việc rà soát, bổ sung khoảng 15 quỹ đất để tạo lập các khu nhà ở xã hội độc lập với quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng. Trong đó đề xuất lựa chọn 2-3 khu có vị trí gần các khu vực công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công.
Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết: "Thời gian lâu nhất vẫn là cái thời gian lựa chọn chủ đầu tư, theo hình thức đấu thầu thì mất khoảng gần 2 năm. Kiến nghị Bô Xây dựng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục, nhất là giảm các bước thực hiện".
Hiện nay, TP Hà Nội quy định, các dự án phát triển nhà ở thương mại phải dành 25% quỹ đất làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, một số dự án vẫn chậm triển khai. Nếu có các giải pháp yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải thực thi, thì nguồn cung nhà ở xã hội có thể được cải thiện hơn.
Khu nhà ở sinh viên sắp được cải tạo thành nhà ở xã hội cho thuê
Một số tòa nhà bỏ hoang Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sắp được TP Hà Nội chuyển sang nhà ở xã hội cho thuê.
Một thông tin đáng chú ý liên quan tới nhà ở xã hội. Đó là Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại cuộc họp về tình hình triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố.
Trong đó, có đề cập tới việc chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4, thuộc Dự án xây dựng Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội cho thuê. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027. Đây là dự án đã bỏ không nhiều năm ngay tại cửa ngõ phía Nam của thủ đô, gây ra sự lãng phí rất lớn. Trong khi, nhiều người thu nhập thấp chưa có nhà ở. Đề xuất xin chuyển các khối nhà này sang nhà ở xã hội đã đề cập tới nhiều lần.
Như vậy, với nhiều giải pháp kết hợp, từ việc cải tạo, hồi sinh, tận dụng các dự án bị bỏ không nhiều năm, chuyển đổi mục đích sử dụng các dự án phù hợp, hoặc đẩy mạnh việc phát triển các dự án mới, thì nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng, đang dần có sự cải thiện, tăng tốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!