Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản Việt

VTV Digital-Thứ năm, ngày 29/08/2024 10:01 GMT+7

VTV.vn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương trong xúc tiến thương mại. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 54 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 29 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Trong đó nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong 7 tháng đầu năm thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước trên hầu hết các lĩnh vực.

Tuy nhiên, còn đối mặt với nhiều thách thức. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh sản xuất xanh, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đại diện của các kênh phân phối hiện đại trong nước, có từ 80 đến 90% nông sản được bày bán là của Việt Nam, vì thế việc kết nối tiêu thụ nông sản từ vùng trồng, tới các siêu thị luôn có vai trò quan trọng để đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy sản xuất tại các vùng sản xuất chuyên canh. Đặc biệt từ nay tới cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng được dự đoán tăng lên thì việc kết nối tiêu thụ lại càng phải đẩy mạnh thông suốt.

3/4 kệ lớn của siêu thị ngay lối vào, là dành cho các mặt hàng rau củ quả Việt Nam. Đại diện siêu thị cho biết đến thời điểm hiện tại họ đã thường xuyên làm việc với 42 hợp tác xã và 40 hộ nông dân trên toàn quốc để đảm bảo nông sản cung ứng cho toàn bộ hệ thống.

"Xây dựng 3 kho trung chuyển ở 3 miền Bắc Trung Nam để tạo thuận lợi cho việc đưa nông sản vào hệ thống của chúng tôi. Một cửa hàng vẫn có thể bán các mặt hàng ở các miền khác nhau, ví dụ như Hà Nội thì khách hàng cũng dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm không chỉ miền Bắc, là khu Bắc Giang, Sơn La, Hà Nội mà khách hàng có thể có những sản phẩm từ Đà Lạt", ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành các cửa hàng siêu thị và đại siêu thị Go & Tops market Hà Nội cho hay.

Các siêu thị cho biết, để đảm bảo mùa nào quả nấy, và giá luôn tốt, họ phải lên kế hoạch chi tiết với các nhà cung cấp từ vài tháng, đảm bảo sản lượng nhập hàng và lên kế hoạch bảo quản, các chương trình khuyến mại phù hợp với từng loại nông sản tươi.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Coop Mart Hà Nội chia sẻ: "Hiện tại các sản phẩm nông sản chiếm tới trên 90% ở tại siêu thị Coop mart Hà Nội. Được khách hàng người tiêu dùng của Hà Nội rất là ưu chuộng đặc biệt là các sản phẩm từ trong các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh mang ra. Chúng tôi có rất nhiều chương trình khuyến mãi, đặc biệt là dành cho các sản phẩm nông sản Việt ví dụ như lễ hội rau củ Đà Lạt, lễ hội trái cây".

Theo Bộ Công Thương, do đặc thù là các mặt hàng tươi cần bảo quản kịp thời, nên khâu vận chuyển đảm bảo thông suốt là điều các doanh nghiệp cần chú trọng.

Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: "Thứ nhất là người sản xuất làm sao để đưa hàng đến được cho người bán hàng, hệ thống bán buôn, bán lẻ thì phải qua hệ thống. Chúng tôi cũng khuyến nghị với các tỉnh, các địa phương là phải tổ chức doanh nghiệp đứng ra thu mua thì mới đảm bảo hàng hóa đồng đều. Thứ hai là thu mua thì quy mô mới lớn".

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị trong thời gian tới các địa phương cần có chiến lược hỗ trợ cho các hộ sản xuất ở vùng sâu, vùng xa về kỹ thuật canh tác nông nghiệp chất lượng cao và các phương thức vận tải phù hợp để đa dạng hóa thêm nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap trên kệ hàng của người Việt.

Hướng dẫn những quy định của thị trường Trung Quốc

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản Việt - Ảnh 1.

Sầu riêng đông lạnh vừa được kí Nghị định thư, mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,1 triệu ha diện tích trồng các loại trái cây tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới. Trong đó phải kể đến như thanh long, xoài, vải, nhãn, sầu riêng, chôm chôm... đem lại giá trị cao. Về sản lượng, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 12 - 14 triệu tấn trái cây. Không chỉ là nguồn cung dồi dào cho thị trường hơn 100 triệu dân trong nước, mà chất lượng cũng như đặc tính của các loại trái cây nhiệt đới ở Việt Nam được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng, đánh giá cao.

Đến nay, các thị trường chính, quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều có sự hiện diện của trái cây Việt Nam, đặc biệt là những loại có diện tích và sản lượng lớn. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất nỗ lực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường.

Cùng với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi là loại trái cây mới nhất được kí Nghị định thư, mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Với việc mở cửa thị trường 1,4 tỉ dân, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.

Thời gian qua, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dựa theo tiêu chuẩn Gap, Global Gap, hữu cơ. Và khi Trung Quốc mở thêm cửa xuất khẩu chính ngạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương để phổ biến, hướng dẫn, những quy định, tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc.

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Không được để hiện diện 9 loại dịch hại mà phía Trung Quốc quan tâm, gồm 5 loài rệp, 1 loài mối, 1 loài bọ cánh cứng hại dừa và 2 loại cỏ".

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Các địa phương phải quan tâm hơn nữa việc quản lý các mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói, đặc biệt là duy trì, đảm bảo tuân thủ đúng các điều kiện của Nghị định thư. Đấy là việc mà các địa phương phải duy trì thường xuyên, liên tục, không chỉ trong năm 2024 mà các năm về sau".

Ngành hàng dừa tìm hướng phát triển bền vững

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản Việt - Ảnh 2.

Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm nay sẽ đạt 1 tỉ đô la Mỹ.

Ngoài những việc chuẩn bị điều kiện đáp ứng những yêu cầu an toàn thực phẩm từ phía thị trường Trung Quốc, thì về lâu dài theo các chuyên gia, để ngành dừa trở thành một ngành hàng mới có giá trị tỷ đô của Việt Nam, cần có những chuỗi liên kết bền vững giữa vùng trồng với doanh nghiệp, hiện thực hóa một trong những phương châm của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là "sạch từ trang trại tới bàn ăn.

4 hecta với gần 1.000 gốc dừa đã sẵn sàng cho việc liên kết cùng doanh nghiệp, phục vụ xuất khẩu.

"Xuất khẩu được rồi, tỉnh cấp mã số vùng trồng cho nông dân thì nông dân rất yên ổn để có tinh thần để chăm sóc dừa tốt hơn", ông Huỳnh Long Thiện, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.

Tư duy sản xuất đã thay đổi, bà con còn chủ động liên kết, cùng nhau phát triển. HTX nông nghiệp Vạn Thịnh Phát với hơn 30 thành viên đã được thành lập, giúp tạo nên diện tích chuyên canh lớn, đồng nhất về quy trình canh tác. Đây cũng là cơ sở để liên kết, tiêu thụ với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Anh Nhan Chí Hiệp - Giám đốc HTX Nông nghiệp Vạn Thịnh Phát, tỉnh Sóc Trăng cho hay: "Sắp tới sẽ hợp tác với nhiều vù trồng trong huyện để hỗ trợ bà con trong tiêu thụ sản phẩm".

Còn với doanh nghiệp, hiểu thị trường chính là cách để giữ thị trường. Theo doanh nghiệp, Trung Quốc có nhiều phân khúc khách hàng để có thể khai thác tối đa lợi thế.

"Người ta cũng sử dụng dừa lai, nhiều trái to và nhiều nước, có những tỉnh như Bắc Kinh thì dùng dừa xiêm xanh, ngọt nước, tiêu chuẩn là gọt dừa kim cương là phần lớn", chị Phan Thị Son - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dừa Hào Quang chia sẻ.

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết: "Khi tạo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất thì nó mới đáp ứng được yêu cầu của quốc tế đặt ra ngày càng nhiều".

Thế mạnh xuất khẩu mặt hàng dừa càng được củng cố khi thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng sản phẩm chế biến từ dừa. Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm nay sẽ đạt 1 tỉ đô la Mỹ.

Theo đúng chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 29, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các thị trường lân cận như Trung Quốc. Ngoài ra, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật để đàm phán mở cửa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản. Bộ cũng sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công thương trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và kết nối doanh nghiệp. Đây cũng chính là động lực hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54 tỷ USD trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước