Lạm phát và chiến lược kinh doanh “gói bim bim”

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 16/04/2022 12:11 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế học của gói bim bim là cách các doanh nghiệp sử dụng để không không tăng giá sản phẩm, mà vẫn tránh được phần nào thiệt hại trong thời kỳ lạm phát.

Chiến lược kinh doanh "gói bim bim"

Thời gian gần đây, giá thực phẩm, lương thực toàn cầu tăng mạnh, từ chiếc bánh mì cho tới bánh pizza. Ai cũng sợ lạm phát, từ người bán tới người mua.

Các doanh nghiệp phải phải sử những chiêu bài để không tăng giá sản phẩm mà vẫn có thể tránh được thiệt hại và thua lỗ trong thời kỳ lạm phát, đó là "kinh tế học của gói bim bim".

Lạm phát và chiến lược kinh doanh “gói bim bim” - Ảnh 1.

Kinh tế học của gói bim bim là cách nhiều doanh nghiệp sử dụng khi lạm phát xảy ra. (Ảnh: Bloomberg)

Người tiêu dùng Mỹ gần đây mua gói bim bim Doritos nếu tinh ý sẽ phát hiện gói bim bim này dường như có gì đó sai sai, cụ thể là nhẹ hơn khoảng 14 gram, trong khi giá vẫn không đổi.

Những năm 1970, bách hóa Woolworth đã dùng chiêu tương tự. Một hộp bút chì gồm 30 chiếc bút, có giá 99 xu. Tuy nhiên 3 năm sau, hộp bút chì chỉ còn 24 chiếc bút, nhưng giá vẫn 99 xu.

Năm 2016, tờ Nhật báo phố Wall đăng bài viết chỉ trích hãng chocolate Toblerone vì cùng một thanh chocolate hình răng cưa, nhưng lô hàng năm đó các răng cưa lại cách xa nhau hơn, ít chocolate hơn.

Kinh tế học của gói bim bim là cách các doanh nghiệp sử dụng để không tăng giá sản phẩm mà vẫn tránh được phần nào thiệt hại khi lạm phát xảy ra.

Có thể nói, đây là giải pháp bất đắc dĩ, các doanh nghiệp buộc phải dùng đến chiêu bài "thu nhỏ kích cỡ - giữ nguyên giá tiền" vì họ không còn cách nào khác và không muốn người tiêu dùng phản ứng với từ "lạm phát". Thời điểm này chính là lúc họ cần dùng tới chiêu thức này khi lạm phát giá cả toàn cầu đang trở thành câu chuyện nóng. Nước Mỹ là một ví dụ.

Lạm phát tại Mỹ cao nhất trong 4 thập kỷ

Lạm phát tại Mỹ tăng 8,5% trong năm qua, mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây. Đây không khác nào là một đòn đánh mạnh vào ví tiền của người tiêu dùng Mỹ.

"Giá cả mọi thứ đắt hơn ít nhất 1 USD. Trứng phải mua đắt hơn 1 USD. Xăng đắt thì khỏi nói rồi. Tiền thuê nhà thì cao một cách nực cười. Nếu bạn nghĩ 1 USD là ít ư, cứ thử có con nhỏ mà xem, mọi thứ sẽ cộng dồn vào", anh Jason Emerson, cư dân quận Oakland, bang California, chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, giá thực phẩm tăng hơn 8% - mức cao nhất kể từ tháng 5/1981. Trong đó, giá các mặt hàng chứa protein tăng hơn 16%. Giá hàng hóa tăng 10%. Giá năng lượng tăng tới 40%.

Lạm phát và chiến lược kinh doanh “gói bim bim” - Ảnh 2.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở New York, Mỹ. (Ảnh: AP)

Nỗi lo về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và thị trường chứng khoán đầy biến động, đã khiến nhiều người không an tâm với khoản tiết kiệm ít ỏi.

"Sữa và bánh mì hiện rất đắt. Bạn phải tính xem mình có bao nhiêu tiền và có thể dùng trong bao lâu, có đủ để chi tiêu đến lúc nhận lương hưu tháng sau hay không. Với những gia đình có con nhỏ, điều này càng khó hơn", bà Mercedes Vargas, cư dân quận Alameda, bang California, cho hay.

Theo trang CNN Business, phần lớn lạm phát tháng 3 của Mỹ là hệ quả từ chiến sự Nga - Ukraine đẩy giá hàng hóa cơ bản toàn cầu tăng vọt.

"Cú sốc giá cả đang tiếp tục ăn sâu vào nền kinh tế Mỹ. Có nguy cơ xảy ra thêm cú sốc giá năng lượng do chiến tranh Nga - Ukraine và khả năng Liên minh châu Âu (EU) có thể cấm vận dấu thô và khí đốt Nga. Một động thái như vậy của EU sẽ gây ra biến động lớn về giá dầu toàn cầu", ông Steve Deller, Giáo sư kinh tế tại Đại học University of Wisconsin- Madison, đánh giá.

Nhằm đưa lạm phát về tầm kiểm soát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có những dự định thắt chặt quyết liệt, như kết thúc chương trình mua tài sản, hay dự kiến có thêm 5 - 6 lần nâng lãi suất trong năm nay.

Tuy nhiên, công cụ chính sách tiền tệ luôn cần có thời gian để phát huy tác dụng, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ còn phải chịu áp lực giá cả thêm một thời gian nữa trước khi được giải tỏa khỏi sức ép này.

Amazon tăng giá do lạm phát

Mới đây, đại diện của Amazon cho biết sẽ nâng mức phí lên 5% đối với các đối tác sử dụng nền tảng của họ.

Cụ thể, trong thông báo mới nhất, Amazon tính thêm 5% "phí nhiên liệu và ảnh hưởng lạm phát" với các đối tác bán hàng sử dụng dịch vụ lưu trữ và giao nhận của hãng kể từ cuối tháng này.

Trước đó, Amazon cũng đã một lần nâng phí với đối tác bán hàng hồi đầu năm. Hãng cho biết việc này nhằm ứng phó với các chi phí như nhiên liệu và tiền lương đi lên tại Mỹ, trong bối cảnh nhu cầu mua hàng trực tuyến không ngừng tăng.

Trong năm 2021, hãng đã giao tới hơn 3 tỷ kiện hàng và tuyển dụng 750.000 nhân viên kho hàng từ đầu năm để đáp ứng khả năng xử lý.

Những hàng ăn truyền thống của châu Á nỗ lực "giữ giá"

Lạm phát đến từ những lý do nhiều khi nằm ngoài tầm kiểm soát của các doanh nghiệp. Làm thế nào để khách hàng có thể chấp nhận, đây là điều khiến nhiều chủ doanh nghiệp đau đầu. Có những người bán chọn cách tô hồng sự thật bằng những gói bim bim bớt đi một chút, hay một hộp bút chì ít đi vài chiếc bút. Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ một chút, chứ không muốn mất đi những khách hàng trung thành.

Đã bán kim chi ở thủ đô Seoul suốt hàng chục năm, bà Choi luôn trung thành với tiêu chí "vừa rẻ vừa ngon". Dù giá nhiều loại thực phẩm, trong đó có nguyên liệu làm kim chi đều tăng mạnh từ đầu năm, bà vẫn đang tìm cách gồng gánh, để khách hàng không phải mua kim chi đắt đỏ.

Lạm phát và chiến lược kinh doanh “gói bim bim” - Ảnh 3.

Bà Choi Sun-hwa bán kim chi (món ăn kèm truyền thống của Hàn Quốc) tại một khu chợ truyền thống ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)

"Với cùng một số tiền, trước đây tôi mua được 10 cây bắp cải làm kim chi, giờ chỉ được 7 cây thôi. Tôi đang cố giữ giá, nhưng để lâu quá thì cũng khó trụ lại được, nên có thể sắp tới tôi sẽ tăng giá lên một chút", bà Choi Sun-hwa, chủ cửa hàng kim chi tại Seoul, cho biết.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với ông Wong - chủ một nhà hàng dimsum lâu năm tại Hong Kong (Trung Quốc). Cũng như các năm trước, ông chỉ tăng giá bán một lần 1 đô la Hong Kong vào đầu năm nay và sau đó tiếp tục giữ giá, dù giá thực phẩm tại đây đã tăng hơn 4% trong một tháng qua, do nguồn cung thắt chặt từ Đại lục.

"Trong đại dịch việc vận chuyển các loại nguyên liệu rất khó khăn, chi phí đội lên nhiều, nhưng nếu tôi thường xuyên nâng giá thì khách sẽ chẳng tới ăn nữa", ông Wong Charn-Chee, chủ nhà hàng dim sum tại Hong Kong (Trung Quốc), bày tỏ.

Không may mắn như vậy, cửa hàng mì Udon của anh Yasuke tại Tokyo (Nhật Bản) đã phải tăng giá bán 50 Yen từ đầu tháng này. Không phải con số quá lớn, nhưng với một cửa hàng bình dân, điều này cũng không mấy dễ chịu.

"Chúng tôi bán với giá chỉ vài trăm Yen 1 bát, nên tăng giá 50 Yen cũng đã là vấn đề lớn, nhưng tôi không có cách nào khác để duy trì kinh doanh", anh Yusuke Iwai, chủ cửa hàng mì Udon tại Tokyo (Nhật Bản), cho hay.

Dù đang trong một giai đoạn không mấy dễ chịu, nhưng các chủ hàng truyền thống châu Á vẫn giữ sự lạc quan rằng tình hình có thể sớm cải thiện. Họ cũng có thể thêm vững tâm khi vẫn có được sự ủng hộ từ những khách hàng trung thành, bất kể vật giá tăng cao.

"Nhiều loại chi phí đang tăng cao nên việc nâng giá một chút là không tránh khỏi, nhưng tôi rất thích các món ở đây. Vì vậy, dù có tăng giá thì tôi vẫn sẽ đến đây ăn thường xuyên", chị Tomomi Shimizu, khách hàng, nói.

Người dân từ châu Âu đến châu Á đau đầu vì 'bão' lạm phát Người dân từ châu Âu đến châu Á đau đầu vì "bão" lạm phát

VTV.vn - Tại châu Á, nhiều gia đình hàng ngày phải đắn đo lựa chọn mua loại thực phẩm nào vừa ví tiền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước