Một loạt quốc gia cứu trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 27/03/2020 14:32 GMT+7

Ấn Độ đã công bố gói cứu trợ kinh tế tổng hợp trị giá 1.700 tỷ Rupee hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh: Qzprod)

VTV.vn - Sau khi Mỹ tuyên bố tung gói hỗ trợ kỷ lục, hàng loạt các quốc gia khác cũng tuyên bố bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang khiến kinh tế thế giới chịu những tác động tiêu cực nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nền kinh tế thiệt hại bao nhiêu và tốc độ phục hồi sau dịch bệnh như thế nào, một phần nào đó sẽ phụ thuộc vào mức độ quyết liệt của các chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ vừa công bố gói cứu trợ kinh tế tổng hợp trị giá 1.700 tỷ Rupee, tương đương khoảng 23 tỷ USD, nhằm hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Khoản cứu trợ sẽ dành cho lao động nhập cư, các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. Đồng Rupee Ấn Độ đang giao dịch quanh mức thấp kỷ lục so với USD. Sản xuất công nghiệp tại quốc gia tỷ dân bị gián đoạn. Bộ Tài chính Ấn Độ cảnh báo, nước này sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% vào năm nay.

* Chính phủ Singapore ngày 26/3 đã tung ra gói kích thích kinh tế thứ hai trị giá 48 tỷ đô la Singapore, tương đương 33 tỷ USD, nâng tổng giá trị kích thích kinh tế lên hơn 37 tỷ USD kể từ tháng 2 đến nay. Đây là lần đầu tiên nước này dùng đến dự trữ quốc gia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Gói Ngân sách Phục hồi tập trung vào các mục tiêu chính gồm duy trì việc làm, hỗ trợ người lao động và đảm bảo mức sống người dân; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trước mắt; và củng cố, tăng cường năng lực tự phục hồi xã hội và kinh tế. Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế Singapore bị sụt giảm đáng kể, dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay bị hạ từ 4% xuống còn 1%.

* Quốc hội Đức cũng đã bỏ phiếu thông qua gói các biện pháp bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu này với trị giá lên tới gần 1.100 tỷ Euro (khoảng 1.200 tỷ USD). Chính phủ Đức sẽ thành lập một quỹ bình ổn kinh tế cung cấp 400 tỷ Euro để bảo đảm cho các khoản nợ của các công ty, 200 tỷ Euro cho vay, mua cổ phần của các công ty và hỗ trợ nhóm Ngân hàng. Chính phủ liên bang cũng sẽ đề nghị hỗ trợ tới 50 tỷ Euro cho các công ty nhỏ bị chịu thiệt hại vì dịch bệnh.

Trong cuộc họp hôm qua (26/3), lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn G20 đã cam kết bơm hơn 5.000 tỷ USD vào kinh tế toàn cầu để hạn chế tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập vì COVID-19. Con số này tương đương số tiền G20 đã bơm ra nhằm kích thích nền kinh tế năm 2009. Trong cuộc họp, các lãnh đạo G20 cũng bày tỏ lo ngại với các nước và nhóm người dễ tổn thương, như châu Phi và người nhập cư. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc củng cố an toàn tài chính toàn cầu và hệ thống y tế quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước