Cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI giữa các nước trong khu vực ngày càng khốc liệt.
Theo tờ Thời báo Kinh doanh, Thái Lan còn lên kế hoạch cho 1 chương trình "gói tái định cư" để hút vốn của các công ty dịch chuyển khỏi Trung Quốc do chiến tranh thương mại.
Tổng giám đốc Văn phòng Kinh tế Công nghiệp của Bộ Công nghiệp Thái Lan còn chẳng ngại ngần khẳng định: "Để thu hút các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, tốc độ rất quan trọng. Chúng ta cho phép họ xây dựng nhà máy nhanh chóng, sản xuất nhanh chóng và bán hàng nhanh chóng và giảm thuế nhiều hơn, đặc biệt là ngành công nghiệp mũi nhọn".
Áp lực này không nhỏ với Việt Nam, bởi theo chuyên gia, thu hút đầu tư nước ngoài là một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia. Việt Nam hiện có gì? Mức lương bình quân của Việt Nam là thấp hơn khu vực, đây là lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, năng suất lao động Việt Nam hiện cũng rất khiêm tốn. Giá nhân công rẻ không phải lợi thế cạnh tranh lâu dài, trong khi môi trường kinh doanh và kết cấu hạ tầng là những điểm Việt Nam còn phải cải thiện nhiều.
Cũng theo phân tích của Thời báo Kinh doanh, câu hỏi đặt ra là ngay cả khi thu hút FDI, Việt Nam liệu có hấp thu được công nghệ cao từ các dòng vốn ngoại? Bởi theo chia sẻ đáng chú ý của Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Jetro tại Hà Nội, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,5%, có tăng nhưng vẫn thấp so với các nước khu vực. Điều đó khiến doanh nghiệp Nhật Bản phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, làm chi phí gia tăng và tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!