Dùng hóa đơn đầu vào ngoài tỉnh để kê khai khấu trừ thuế tại địa phương, bán hàng không xuất hóa đơn hay thành lập những doanh nghiệp “ma” để kinh doanh hóa đơn đang là thủ đoạn mà các đối tượng núp dưới hình thức kinh doanh nông sản xuất khẩu sử dụng, nhằm chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
‘ Ảnh: VTV News
Huyện Đức Trọng là một trong những huyện trọng điểm về thu ngân sách của tỉnh Lâm Đồng. Thế nhưng, trong 5 tháng đầu năm, số thu từ hoạt động kinh doanh cà phê của huyện chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, đạt 26% so với cùng kỳ năm 2012.
Ngoài nguyên nhân tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp không mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh dẫn đến số thuế nộp thấp, còn có nguyên nhân khác dẫn đến ngân sách của huyện này không đạt được yêu cầu đặt ra.
Ông Bùi Văn Kính, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đức Trọng, Lâm Đồng cho biết: “Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã lợi dụng kẽ hở, dùng hóa đơn đầu vào của ngoài tỉnh để kê khai khấu trừ thuế tại địa phương. Sau khi Chi cục Thuế thực hiện các văn bản của UBND tỉnh, huyện tạm thời chưa khấu trừ đối với hóa đơn ngoại tỉnh thì các doanh nghiệp chuyển sang thủ đoạn bán hàng không xuất hóa đơn”.
Cụ thể, các doanh nghiệp “đen” đã dùng thủ đoạn mua bán cà phê không có chứng từ, hóa đơn rồi mua hóa đơn của các doanh nghiệp đã giải thể hoặc các doanh nghiệp “ma” ở các tỉnh lân cận để hợp thức hóa chứng từ và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Thêm vào đó, lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu, một số công ty đã lập hồ sơ xuất khẩu khống bằng cách lập nhiều doanh nghiệp “ma” làm hợp đồng mua bán rồi xuất hóa đơn khống để lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Yên cho biết: “Chúng tôi đã từng phát hiện doanh nghiệp “ma” do một lái xe ôm làm chủ doanh nghiệp. Người ta đã dùng chứng minh thư của người lái xe ôm để đăng ký lập doanh nghiệp và in hóa đơn. Những doanh nghiệp dạng này đã phát hành hàng trăm hóa đơn với doanh số bán ra hàng trăm tỷ đồng”.
Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên có nguồn thu dựa vào hoạt động kinh doanh nông sản, tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm 2013, số thu thuế giá trị gia tăng từ hoạt động kinh doanh của mặt hàng cà phê, nông sản chủ lực của tỉnh, chỉ đạt 28% so với cùng kỳ 2012.
Nếu không có các biện pháp quyết liệt trong quản lý hoạt động kinh doanh nông sản, Lâm Đồng có thể sẽ thất thu từ thuế hàng trăm tỷ đồng trong năm 2013 và nghiêm trọng hơn, sẽ không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để thu hút các doanh nghiệp đang kinh doanh chân chính.