Từ nhiều năm nay, OPEC được cho là đã điều khiển giá dầu bằng cách kìm hãm cạnh tranh trên thị trường. Khi những công ty dầu đá phiến ở Mỹ gia tăng sản lượng đe doạ thị phần của OPEC, tổ chức này lập tức bơm thật nhiều dầu, khiến giá dầu đi xuống, đẩy đối thủ vào tình trạng thua lỗ. Một khi các đối thủ thấm đón, OPEC lập tức cắt giảm sản lượng, đẩy giá dầu đi lên gây sức ép cho các nền kinh tế nhập khẩu dầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "100% là OPEC và tốt hơn hết là họ nên dừng việc thao túng thị trường bởi chúng tôi đang cố gắng bảo vệ rất nhiều quốc gia".
Tuy nhiên, sự chi phối này có thể sẽ sớm phải đối mặt với một thách thức lớn. Tháng 6, các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành cuộc họp ở Bắc Kinh thảo luận kế hoạch thành lập "Câu lạc bộ các nước nhập khẩu dầu" để nâng cao sức mạnh đàm phán mua dầu với OPEC.
Trung Quốc và Ấn Độ tiêu thụ tổng cộng gần 17% sản lượng dầu toàn cầu vào năm 2017 và nếu ý tưởng này trở thành hiện thực, Bắc Kinh và New Delhi sẽ tập hợp được sức mạnh lớn hơn để đàm phán với OPEC, đồng thời có tiếng nói quan trọng hơn trong các vấn đề khác chẳng hạn nhập khẩu nhiều dầu hơn từ Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết: "Là những nước tiêu thụ dầu, chúng tôi có những mối quan tâm chung. Chúng tôi nhất trí thúc đẩy hợp tác và chúng tôi hy vọng trong tương lai, những nước mua dầu có thể tác động lên giá dầu".
Theo Bloomberg, Washington nhiều khả năng sẽ không tham gia liên minh, tuy nhiên sự gia nhập của Nhật Bản và EU vẫn có thể tạo ra sức mạnh đàm phán rất lớn khi chiếm tới 65% sản lượng ô tô và tiêu thụ 35% sản lượng dầu toàn cầu.
Nếu OPEC tiếp tục giữ giá dầu ở mức 60-100 USD/thùng, khối này có thể đẩy nhanh tiến trình phổ cập hoá xe điện để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu và một khi thị trường xe điện đã mở rộng dù cho OPEC có chấp nhận kéo giá dầu xuống thấp có thể cũng đã là quá muộn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!