Phòng vệ thương mại như "con dao hai lưỡi"

Hoa Trà (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ năm, ngày 03/01/2019 10:47 GMT+7

VTV.vn - Đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018, đồng nghĩa trung bình mỗi tháng có gần 2 vụ.

Con số được đưa ra trên báo Thanh tra cho thấy rủi ro với các doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng nhiều.

Thời báo Ngân hàng đưa ra một con số đáng ngại hơn. 80% sản phẩm thép do Việt Nam sản xuất bị kiện phòng vệ thương mại. nhiều mặt hàng xuất khẩu khác cũng bị điều tra như thủy sản, chiếm khoảng 1% kim ngạch xuất khẩu; giày dép 6%; sợi 9%.

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các vụ kiện đang phát sinh nhiều xu hướng mới như kiện chùm (1 vụ việc bị kiện đồng thời ở nhiều nước); kiện domino (nước này kiện được, nước khác cũng kiện theo); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp)… làm gia tăng số lượng các vụ kiện.

Theo tờ Tuổi trẻ, chỉ trong chưa đầy 6 tháng (từ tháng 5/2018 đến tháng 10/2018), các nước thành viên G20 đã khởi xướng tổng cộng 85 vụ việc phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn phân tích, hàng hóa từ nước ngoài sẽ có khả năng chuyển dịch sang để "rửa xuất xứ", lấy nguồn gốc Việt Nam bằng rất nhiều hình thức như đầu tư nhà máy để chế biến giai đoạn cuối hay đưa hàng qua cửa khẩu. Nếu một vài doanh nghiệp vì ham lợi trước mắt mà tiếp tay làm điều này, cả ngành sản xuất và cả nền kinh tế bị vạ lây.

Vậy làm sao để không bị "vạ lây"? Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.

Ngoài ra, tờ Thời báo Ngân hàng cho rằng việc đa dạng thị trường cần phải tính đến nhưng không phải là mở rộng thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, mà phải đa dạng về thị trường nhập khẩu; tăng nhập khẩu đầu vào từ các nước có tên trong các hiệp định FTA, khi đó, các nhà sản xuất Việt Nam vừa đảm bảo được tỷ lệ xuất xứ, đồng thời vừa dễ dàng tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước.

Thực tế cho thấy, sau nhiều năm tìm đường vào các thị trường trên thế giới, DN Việt Nam đã tương đối quen thuộc với các biện pháp PVTM, tuy nhiên để đối phó thì vẫn còn khá nhiều lúng túng. Các chuyên gia cho rằng, điểm quan trọng vẫn là câu chuyện trợ giúp pháp lý của Chính phủ đối với DN như thế nào.

Hiện nay, các DN đều phàn nàn chi phí pháp lý rất lớn, đặc biệt nếu thuê các luật sư nước ngoài. Trong khi đó, từ phía cơ quan quản lý, ngoài việc phổ biến thông tin về thị trường, hiện vẫn chưa có nhiều biện pháp thiết thực đối với DN trong việc đứng ra giải quyết tại các tòa án nước ngoài về phòng vệ thương mại. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng nên có đề án hoặc chương trình trợ giúp pháp lý cho DN.

Các biện pháp phòng vệ thương mại làm khó doanh nghiệp Việt Nam Các biện pháp phòng vệ thương mại làm khó doanh nghiệp Việt Nam Đa phần vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến sắt thép Đa phần vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến sắt thép Doanh nghiệp Việt e ngại khởi kiện phòng vệ thương mại Doanh nghiệp Việt e ngại khởi kiện phòng vệ thương mại

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước