Đó là con số đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp trong sáng 25/8.
Một trong những tiêu chí của đề án tái cơ cấu là nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản vẫn chưa đạt được. Trong khi đó, rào cản đầu tiên khiến doanh nghiệp chưa dám mạnh tay đầu tư chính là những cơ chế cho khoa học công nghệ.
Theo tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược, Bộ NN&PTNT, 90% các kết quả nghiên cứu và đầu tư cho KHCN hiện vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện, chưa xuất phát từ thực tế nên khó đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, tiếng nói của người nông dân và doanh nghiệp, người trực tiếp tiếp thu khoa học công nghệ không được sử dụng để lên kế hoạch và đánh giá tiến bộ KHCN.
Đặc thù của doanh nghiệp nông nghiệp là cần quy mô đất rộng. Trong khi đó, đất do người dân sử dụng vẫn còn manh mún, chưa được chính quyền địa phương tập hợp. Chính vì thế, doanh nghiệp ngại rủi ro nên không dám mạnh tay đầu tư dài hạn. Ngoài ra, có chính sách nhưng thiếu nguồn lực, cơ chế chưa minh bạch khiến lĩnh vực nông nghiệp thiếu tính hấp dẫn đầu tư.
Theo các chuyên gia, những nghiên cứu khoa học để đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp nên để các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, Nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn đã thành công theo mô hình này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!