Chiều 13/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới World Bank đã có cuộc họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 và đánh giá nửa cuối năm.
Theo báo cáo này, kinh tế toàn cầu nhìn chung đã phục hồi ở tất cả các mặt từ cuối năm 2016. Tài khoản vãng lai của Việt Nam sau khi có thặng dư lớn vào năm 2016 lại bắt đầu giảm xuống trong đầu năm 2017.
Triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Tăng trưởng GDP theo giá so sánh dự kiến tăng nhẹ lên 6,3% trong năm 2017 nhờ sức cầu mạnh trong nước, sản xuất nông nghiệp được phục hồi và nền sản xuất chế tạo chế biến theo định hướng xuất khẩu phát triển lại được bổ trợ thêm khi cầu bên ngoài được khôi phục, qua đó phần nào bù đắp được suy giảm sản lượng dầu thô. Áp lực lạm phát vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Ông Sebastian Eckardt, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có những chia sẻ về một số vấn đề nổi trội trong báo cáo của WB giữa năm 2017. Đó là các hiệp định thương mại quốc tế và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
PV: Thưa ông, hội thảo TPP đang diễn ra ở Nhật Bản với sự vắng mặt của phía Mỹ trên tinh thần chuẩn bị cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Việt Nam trong tháng 11. Ngân hàng thế giới nói gì về vai trò của các hiệp định thương mại với quốc tế đối với kinh tế Việt Nam năm nay?
Ông Sebastian Eckardt: Đúng là đã có những sự rụt rè hơn trong việc ký kết các hiệp định thương mại toàn cầu, đặc biệt là từ phía một số nền kinh tế lớn. Có thể thấy điều này qua chính sách của chính phủ Mỹ từ đầu năm 2017 đến nay.
Điều này có ảnh hưởng tới nền kinh tế mở cửa như Việt Nam không? Tất nhiên là có. Nhưng Việt Nam đã sẵn sàng theo đuổi con đường đa dạng hóa quan hệ thương mại với các quốc gia khác. Đây là một chiến lược rất tốt. TPP không phải là sân chơi duy nhất. Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế khi tham gia những hiệp định thương mại song phương, đa phương.
PV: Điều này có ảnh hưởng tới khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam không, thưa ông?
Ông Sebastian Eckardt: Việt Nam đang chọn hướng đi của một nền kinh tế thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, Việt Nam đã được rót tới 16 tỷ USD tiền đầu tư. Đấy là trong bối cảnh TPP còn tạm thời bị trì hoãn.
Lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chính là lực lượng lao động ngày càng đông đảo và có trình độ cao. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng cũng đang được chính phủ đầu tư đáng kể.
Trong bảng đánh giá của World Bank, dịch vụ vận chuyển hàng hóa của Việt Nam tốt hơn nhiều quốc gia khác. Điều cần làm nhất là tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!