Gian lận thương mại diễn ra phổ biến và tinh vi
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực kinh tế trên thế giới. Điều này một mặt buộc chúng ta phải mở cửa thị trường trong nước nhưng mặt khác cũng đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và ngành hàng Việt Nam có thêm các thị trường mới nhờ được hưởng các ưu đãi cắt giảm thuế quan. Thế nhưng, nguy cơ trục lợi cũng đã này sinh do tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại vẫn diễn ra khá phổ biến với nhiều phương thức, thủ đoạn khá tinh vi.
Thống kê của riêng cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thủ đô đã xử lý hành chính hơn 11.000 vụ gian lận thương mại, mà chủ yếu là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu đã lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Kết quả này đạt được trong bối cảnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi mà sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.
Trong khi đó, tình trạng hàng hóa của một số nước khác trên thế giới gian lận xuất xứ là hàng Việt Nam để trục lợi qua việc hưởng các ưu đãi thuế khi xuất sang một số thị trường có ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đã xuất hiện. Do vậy, để tránh nguy cơ bị áp đặt những biện pháp kiểm soát nhập khẩu hay tăng thuế chống bán phá giá từ các thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam, đã đến lúc các cơ quan chức năng và DN cần quan tâm hơn nữa tới việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa để tránh gian lận.
Thắt chặt quản lý xuất xứ hàng hóa
Để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là vấn đề giả mạo nhãn mác, giả nguồn gốc xuất xứ làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu, vấn đề siết chặt cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (gọi tắt là C/O) và đẩy mạnh kiểm soát hàng hóa của chính doanh nghiệp trước khi xuất khẩu đang là những giải pháp hữu hiệu được đặt ra.
Việc siết chặt quản lý C/O không chỉ ngăn chặn được nguy cơ doanh nghiệp trục lợi ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà còn tránh được các tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước, qua đó giúp tăng uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Tăng cường kiểm soát rủi ro xuất nhập khẩu
Nguy cơ doanh nghiệp có C/O của Việt Nam nhưng hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn nguồn gốc sản xuất Việt Nam đang là áp lực đè nặng lên các cơ quan chức năng, bởi rủi ro mà nó mang đến không chỉ là các biện pháp trừng phạt từ nước nhập khẩu mà còn là uy tín và năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do vậy, điều này đã đặt ra sức ép các cơ quan chức năng phải kiểm soát chất lượng, số lượng nguồn hàng cũng như thành phẩm trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Một phương thức dễ bị lợi dụng để giả mạo xuất xứ Việt Nam là các doanh nghiệp đầu tư nhà máy đơn giản, sau đó nhập khẩu toàn bộ linh phụ kiện nước ngoài, gia công, lắp ráp tại Việt Nam, rồi xin giấy chứng nhận C/O của Việt Nam dù chưa đủ tiêu chuẩn về nguồn gốc và giá trị gia tăng để xuất khẩu.
Theo thống kê từ Vụ Thị trường Âu Mỹ, trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 30%. Đây là mức tăng đáng mừng nhưng cũng đặt ra yêu cầu cần kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lẩn tránh xuất xứ để việc xuất khẩu của các DN Việt Nam diễn ra bền vững, hiệu quả.
Hiện, cơ quan Hải quan đã chuyển hình thức từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc phân luồng hệ thống hàng hóa tự động sẽ dựa vào cơ chế đánh giá các tiêu chí rủi ro gian lận đối với từng doanh nghiệp, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu. Điều này một mặt tạo thuận lợi cho các DN xuất khẩu nhưng cũng ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gian lận có thể phát sinh.
Sắp tới đây, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O cho 8 nhóm hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ như gỗ, hàng dệt may, da giày cho đến máy tính, hàng điện tử, nhôm, sắt thép và nhựa với mục đích giám sát chặt chẽ các mặt hàng tiêu thụ tại Việt Nam được gia công, nhập khẩu vào Việt Nam nhưng mang nhãn mác "Made in Vietnam".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!