NB Lại Văn Sâm: “10 năm, chưa một lần hết yêu Ai là triệu phú”

Lan Chi-Thứ hai, ngày 07/09/2015 11:12 GMT+7

VTV.vn - 10 năm, với hơn 500 chương trình lên sóng, nhà báo Lại Văn Sâm chưa một lần rời vị trí người dẫn của “Ai là triệu phú”. Anh bảo đó là vì vẫn còn yêu chương trình.

Cuộc trò chuyện của VTV News với nhà báo Lại Văn Sâm – Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài THVN trong những ngày VTV tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên bắt đầu từ những kỷ niệm đáng nhớ của anh với VTV. Nhà báo vẫn nhớ như in ngày đầu tiên làm công việc truyền hình với vị trí một bình luận viên (BLV) thể thao.

“Kỷ niệm những ngày đầu tiên ở VTV với tôi thật ra là những kỷ niệm buồn, có thể nói là rất bi quan. Tôi không hề học về truyền hình, báo chí mà học về văn hóa ngôn ngữ và văn học phương Đông. Tôi vào VTV rất tình cờ, thời của tôi cũng chưa phải thi tuyển như bây giờ. Khi đó, tôi mới từ nước ngoài về, đang thất nghiệp và phụ mẹ vợ bán đồ mỹ nghệ ở chợ Đồng Xuân rồi tình cờ gặp ông bạn cũ (NB Vũ Đức Khuynh hiện đang làm ở Ban Sản xuất các chương trình Giải trí). Tôi hỏi: “Khuynh đang làm ở đâu?”, Khuynh bảo: “Đang làm ở Đài Truyền hình Việt Nam”. Tôi hỏi tiếp: “Ở đó có việc gì làm không?”, anh ấy sực nhớ tôi đam mê thể thao nên đã giới thiệu tôi vào làm ở phòng Thể thao.

Nhưng làm suốt nhiều tháng vẫn chẳng thấy ai hỏi đến mình, chẳng ai biết mình là ai và cũng không có một tia hy vọng nào nên tôi chán nản và bỏ giữa chừng. Rồi đến tháng 6/1988, sự kiện Euro thiếu người làm nên tôi được gọi đi làm trở lại để bình luận bóng đá.

Nói về kỷ niệm thì nhiều nhưng đó là những ngày tháng đáng nhớ nhất của tôi khi mới vào VTV. Ngày đó tôi lao vào công việc như một con thiêu thân và gắn bó với vị trí BLV thể thao. Từ những kiến thức học được ở nước ngoài, tôi đã đề xuất để 2 người cùng bình luận thể thao thay vì 1 người như trước và đó cũng là lần đầu tiên có 2 người bình luận thể thao trên truyền hình” – NB Lại Văn Sâm kể.

LÀM VIỆC Ở VTV LÀ MỘT ĐIỀU MAY MẮN

Anh có nghĩ công việc khởi đầu là một BLV thể thao có thể xem như bước ngoặt để có được thành công như ngày hôm nay; để có một MC, nhà báo Lại Văn Sâm được nhiều khán giả yêu mến như bây giờ?

- Thực ra tôi không nghĩ công việc đó có là bước ngoặt trong sự nghiệp của mình hay không. Tôi coi đó là một sự may mắn. Người ta thường nói nhiều đến quan niệm thế nào là hạnh phúc, thế nào là thành đạt, tôi quan niệm rất đơn giản: hạnh phúc là được làm đúng những gì mình thích. Và được làm thể thao đúng là điều mà tôi rất thích từ thời còn là sinh viên và sau đó là được làm chương trình VKT (Văn hóa – Khoa học – Thể thao) rồi làm việc tại Ban Thể thao, Giải trí và Thông tin kinh tế và nay là Ban Sản xuất các chương trình Giải trí cho đến tận bây giờ cũng đều là những điều tôi thích và tôi đã được làm những điều mình thích.

Cho đến bây giờ tôi có quyền nói với tất cả mọi người, tôi là người hạnh phúc vì tôi được làm những gì mình thích, không phải làm những công việc mang tính chất bắt buộc và mình không thích. Làm BLV thể thao là công việc khởi đầu của tôi ở VTV và đến khi làm chương trình VKT tôi cũng phụ trách luôn mảng thể thao. Chính vì được biết đến từ những công việc đó nên năm 1990, khi báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi Hoa hậu, tôi đã được mời làm người dẫn chương trình – điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. (Cười)

Tôi nghĩ rằng mỗi người có một số phận, có những điều mình không tự quyết định được và đúng là số phận đã run rủi tôi đến với VTV. Nếu ngày đó tôi không gặp anh Vũ Đức Khuynh thì chưa chắc tôi đã trở thành một BLV thể thao và có cơ hội được làm nhiều chương trình truyền hình về sau này. Và đúng là số phận đã sắp đặt tôi làm những công việc đó. Đến giờ tôi nghĩ mình là một người may mắn.

Nhà báo Lại Văn Sâm trong chương trinh Nối vòng tay lớn

Nhắc đến nhà báo Lại Văn Sâm, người ta sẽ nhớ đến những chương trình ấn tượng, mang thương hiệu của VTV như “SV 96”, “Trò chơi liên tỉnh” hay “7 sắc cầu vồng”. Từ những chương trình ấy, anh đã được rất nhiều khán giả biết đến và dành cho một tình cảm yêu mến đặc biệt – đi đâu cũng thấy có khán giả nhắc đến MC Lại Văn Sâm, chương trình nào cũng mong có MC Lại Văn Sâm dẫn. Anh có nghĩ đó là một điều may mắn nữa trong sự nghiệp làm truyền hình?

- Đúng vậy! Tôi may mắn được vào VTV từ năm 1988, hồi đó các chương trình trên sóng chưa phát triển như bây giờ và mới chỉ có 1 kênh. Và rất may mắn tôi luôn là người tham gia những chương trình lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình Việt Nam. Trước thời của tôi, không có chuyện một biên tập viên có ngoại hình xấu xí, xù xì như mình được lên ngồi dẫn chương trình mà phải là những người có ngoại hình đẹp, giọng nói chuẩn như NSƯT Minh Trí, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Thanh Hùng hay NSƯT Mạnh Tường.

Khi làm chương trình VKT, tôi là một biên tập viên lên hình và dẫn chương trình. Có lẽ khi ấy, khán giả thấy gương mặt mình mới và chương trình cũng mới nên họ rất thích. Thứ hai, tôi có một may mắn khác là năm 1996, khi kênh VTV3 ra đời, lần đầu tiên khán giả được theo dõi các trò chơi trên truyền hình như Trò chơi liên tỉnh, SV 96 cùng một loạt các chương trình khác sau này và tôi cũng tham gia sản xuất các chương trình ấy.

Nếu so sánh SV 96 với các chương trình giải trí bây giờ trên VTV3, xét về mọi mặt không thể hoành tráng bằng. Nhưng chính vì lúc đó là một chương trình mới hoàn toàn nên đó cũng là điều may mắn. Tôi nghĩ rằng may mắn là yếu tố quyết định rất nhiều cho số phận một con người và gắn bó với con người ta suốt cuộc đời. Và tôi là một trong số những người may mắn. Và tôi cũng tự tin rằng mình là người tử tế, hiền lành nên mình gặp may, đúng như câu các cụ vẫn nói: “Ở hiền gặp lành”. (Cười)

Đến bây giờ anh có nhớ mình đã làm bao nhiêu chương trình phát trên VTV3?

- Nhiều lắm chứ! Bây giờ trên VTV3 tôi chỉ chưa được dẫn duy nhất chương trình Đường lên đỉnh Olympia mà năm nào tôi cũng đề nghị ê-kíp cho tôi được dẫn ở một điểm cầu trong trận chung kết. Còn lại các chương trình quen thuộc trên VTV3 bạn đều thấy có sự xuất hiện của tôi dù chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, như: Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng, Chúng tôi là chiến sĩ… Nhưng chương trình tôi gắn bó lâu dài nhất chính là Ai là triệu phú. Suốt 10 năm qua, với khoảng 520 chương trình được phát sóng, khán giả đều được gặp tôi ở vị trí người dẫn chương trình.

Đã 10 năm rồi, anh chưa một lần rời vị trí dẫn chương trình của “Ai là triệu phú”. Lý do nào khiến anh gắn bó lâu đến vậy?

- Điều đó thì có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về chủ quan, đây là chương trình tôi rất thích bởi ở độ tuổi của tôi, làm chương trình này rất vui khi được gặp gỡ, trò chuyện với những người chơi đến từ các vùng, miền khác nhau. Điều đó thực sự thú vị.

Còn về yếu tố khách quan, trước đây, tôi từng đề nghị sẽ ngừng dẫn chương trình này để tuyển một MC mới nhưng đơn vị giữ bản quyền của chương trình không đồng ý. Vì Ai là triệu phú là một chương trình toàn cầu, giữ thương hiệu trên toàn thế giới nên khi đơn vị giữ bản quyền nghe tin tôi có ý định ngừng dẫn, lập tức Tổng đạo diễn chương trình đã gửi thư tới TGĐ Đài THVN khi đó là ông Vũ Văn Hiến vì nghĩ rằng Ai là triệu phú sẽ ngừng phát sóng ở Việt Nam. Và lúc đó TGĐ Vũ Văn Hiến đã khuyên tôi nên tiếp tục làm chương trình này.

Đã 10 năm, NB Lại Văn Sâm chưa một lần rời vị trí dẫn chương trình của "Ai là triệu phú"

Nhưng lý do quan trọng nhất để tôi tiếp tục gắn bó với chương trình đến tận hôm nay vẫn là tôi chưa hết yêu Ai là triệu phú. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, tôi sẽ không làm nếu không thích, mà khi đã thích thì tôi sẽ làm. Tôi thường nói với các bạn trẻ, khi bước ra sân khấu mà không còn sự hồi hộp, lo lắng, chờ đợi thì mới thôi không làm chương trình.

Gắn bó với Ai là triệu phú lâu như vậy nhưng mỗi lần nghe nhạc hiệu của chương trình và chuẩn bị bước ra sân khấu, tôi vẫn rất hồi hộp. Chắc chắn, sau này khi về hưu, mỗi lần nhớ lại quãng thời gian dài được dẫn Ai là triệu phú sẽ là cả tỉ thứ chuyện vui, buồn với nhiều cảm xúc.

CHƯA BAO GIỜ ÂN HẬN VỀ NHỮNG GÌ ĐÃ LÀM

Có thể thấy nhà báo, MC Lại Văn Sâm luôn được xem là một hình mẫu để các MC ở thế hệ sau phấn đấu và anh cũng được xem là một thần tượng của họ. Hơn nữa, đến bây giờ, sức hút của cái tên Lại Văn Sâm vẫn rất nóng với khán giả truyền hình. Anh có thấy hãnh diện vì điều đó? Vì đây không phải là điều mà MC nào cũng có được.

- Nếu nói là không hãnh diện thì hóa ra tôi là người vô cảm. (Cười) Tôi nghĩ rằng con người ta bao giờ cũng muốn được người khác yêu quý, coi trọng và đó sẽ là một niềm tự hào. Nhưng nói thật với bạn, được nhiều người biết đến đôi khi cũng sẽ có phiền phức, có nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Còn nhớ có lần tôi đi công tác tại một vùng nuôi thủy sản ở Cà Mau – nơi có rất ít người sinh sống, những tưởng sẽ không có ai nhận ra mình nhưng khi đi ngang qua một ngôi nhà, bỗng có một bà lão chạy ra và hô to: “Lại Văn Sâm” rồi tôi bị mọi người trong nhà kéo vào nhà uống rượu cùng. Khi ấy tôi cảm thấy rất vui sướng vì không ngờ rằng ở đó cũng có người nhận ra tôi, yêu quý tôi đến vậy.

Còn với các bạn đồng nghiệp ở VTV, họ đã có một sự trân quý dành cho tôi thì tôi thấy đó là một niềm tự hào. Thú thật, tôi không phải là người giỏi ăn nói, rất thẳng tính, khen chê rõ ràng nhưng các bạn đồng nghiệp vẫn không thấy buồn vì điều đó, vẫn cảm thấy trân quý mình thì đó rõ ràng là một điều khiến tôi mừng.

Cái tên nhà báo Lại Văn Sâm cũng được xếp vào danh sách những người nổi tiếng của VTV. Bản thân anh cũng được rất nhiều đồng nghiệp và khán giả yêu mến. Không biết đằng sau niềm vui của sự nổi tiếng, có khi nào vẫn có những khoảng lặng, những nỗi buồn?

- Thời mới làm việc ở VTV, tôi cũng có những tai nạn nghề nghiệp còn về khoảng lặng thì có lẽ là chưa. Tôi tuổi Gà nên hình như cái số cũng lận đận. Từ ngày làm VKT rồi chuyển sang sản xuất các chương trình phát trên kênh VTV3, chưa có lúc nào tôi tĩnh tâm lại, kiểm điểm xem mình làm như vậy đã ổn chưa, có gì cần thay đổi. Thực sự đó là cái dở vì tôi cứ bị cuốn đi theo công việc. Bạn có tin được không, làm việc ở VTV gần 30 năm nhưng tôi mới chỉ nghỉ 1 hoặc 2 kỳ phép.

Bạn hỏi về chuyện buồn, vui trong công việc, tôi có thể nói thế này: Hầu như mỗi chương trình làm xong đều có sự nuối tiếc, đều tự nhủ “Giá như làm thế này thì sẽ tốt hơn”. Còn nếu nói có khi nào phải dằn vặt, mất ăn mất ngủ vì một chương trình thì chưa. Tôi nói như vậy không có nghĩa là mọi chương trình tôi làm đều tốt mà đơn giản là tất cả những gì mình muốn làm, tôi luôn cố gắng làm cho được, còn những điều đó đã tới chưa thì lại là chuyện khác. Song, tôi cũng chưa một lần ân hận vì những việc mình đã làm, đúng như tôi chia sẻ với bạn lúc đầu tôi luôn được làm những điều mình thích.

Các chương trình tôi làm đều theo cách suy nghĩ của riêng mình. Ví dụ như chương trình Bài ca chiến thắng, thông qua âm nhạc Nga, tâm hồn của người Nga, khán giả sẽ có cảm giác dễ chịu khi xem chương trình. Vẫn là nói về chiến thắng phát xít nhưng không lặp lại theo kiểu nhắc lại sự kiện, đưa ra những con số khô khan mà tôi muốn đó là một dạng chương trình nghệ thuật.

NB Lại Văn Sâm dẫn chương trình "Bài ca chiến thắng 2014 - Trận đánh cuối cùng"

Hay các chương trình kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, 30/4 và các ngày lễ lớn của đất nước, bao giờ tôi cũng làm thông qua dạng chương trình văn học – nghệ thuật. Vì tôi có quan điểm riêng khi làm những chương trình dạng tuyên truyền như vậy. Nhìn lại SV 96, nếu bóc tách ra cũng toàn những vấn đề lớn của xã hội, như: HIV/AIDS, ma túy, chủ đề gia đình, phụ nữ, tình yêu quê hương đất nước… Và để có được một chương trình SV 96 ở thời điểm đó là một sự kỳ công vì khi đó hầu như không có chương trình làm về sinh viên.

SV 96 đã quy tụ được hàng nghìn sinh viên và có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Những vấn đề lớn của xã hội như tôi vừa nói được đưa vào SV 96 và tuyên truyền tới cả nước thông qua góc nhìn hài hước của các bạn sinh viên.

Chính SV 96 cũng là một tiền đề cho ra đời các chương trình hài sau này như Gặp nhau cuối tuần hay Gặp nhau cuối năm (Táo quân). Và thực chất Táo quân cũng động đến các vấn đề của xã hội thông qua góc nhìn hài hước. Và tôi nghĩ đó là một thành công mà SV 96 có được và tôi thấy thích.

Tất cả những điều đó cũng là lý do vì sao tôi luôn nói với bạn tôi là người hạnh phúc và tôi không ân hận vì những gì mình đã làm. (Cười)

Đã có một khoảng thời gian anh bị mạo danh Facebook rồi đăng những phát ngôn dưới tên mình. Giờ nghĩ lại anh có còn ấm ức?

- (Cười) Tôi bị đồn nhiều lắm và cũng bị giả mạo nhiều lắm. Nếu mọi người để ý thì đã 3 lần tôi bị đồn đã chết. Đặc biệt là có năm tôi làm Hoa hậu Việt Nam ở Tuần Châu, những lời đồn về tôi khiến người nhà lo lắng, phải gọi điện thoại kiểm tra xem tôi còn sống không. Hay có đợt sau khi cùng bàn công việc với Phó TGĐ Trần Đăng Tuấn, tôi trở lại phòng làm việc, 15 phút sau anh Tuấn gọi điện hối hả vì nghe bảo tôi bị tai nạn giao thông.

Hồi tôi làm SV 96 hay Trò chơi liên tỉnh, gần như Chủ nhật là “liveshow của Lại Văn Sâm”. Đến năm 1997, tôi dừng không làm nữa thì lại có tin đồn “Lại Văn Sâm, Diễm Hương và Xuân Hinh sang Thái Lan buôn ma túy rồi bị bắt”, cho đến khi tôi xuất hiện trong chương trình Khách của VTV3 năm 1997, lại dấy lên tin đồn rằng “Riêng Lại Văn Sâm được Chủ tịch nước Lê Đức Anh xin về để làm chương trình”. (Cười) Bây giờ mà ngồi kiểm điểm, có khi tôi là người bị nhiều lời đồn nhất ở Việt Nam này: chết đi sống lại mấy lần theo các tin đồn, có hàng chục bà vợ, hàng chục ngôi nhà…

Rồi lại đến thời kỳ của Facebook, tôi bị mạo danh nhưng quả thực hồi đó tôi không hề biết vì tôi tuyệt đối không bao giờ tham gia Facebook. Rất tình cờ, khi đi đang ngồi làm chương trình thì một quay phim phát hiện ra Facebook mang tên tôi khiến tôi giật mình. Lúc đó, BTV Diệp Chi cũng nói với tôi rằng: “Chú phải có đến hàng chục trang Facebook có tên Lại Văn Sâm” và đúng thế thật. Phản ứng đầu tiên của tôi là bực mình, rất khó chịu và tranh thủ mọi lúc để nói với mọi người rằng mình không hề có Facebook để mọi người hiểu mình.

Cũng được an ủi một phần là những người mạo danh tôi không đến nỗi đăng tải những điều bậy bạ. Tất nhiên dù tốt đến mấy thì đó cũng vẫn là sự giả dối. Khó chịu nhất là lần có tin đồn về việc tôi đăng thơ trên Facebook, bỗng nhiên có một người bạn nhắn tin khen: “Thơ hay thế! Có gì đột biến trong cuộc sống mà tự nhiên lại trào dâng cảm xúc?”. Tôi trả lời: “Tôi có bao giờ làm thơ đâu. Điên à? Dở hơi à?” rồi được gửi cho xem trang Facebook đó. Lúc đó đọc tôi thấy có cả sự buồn cười và khó chịu nhưng chưa đến nỗi để mình căm thù hay ghét ai đấy.

Nói thật với bạn, tôi không phải là người bị những điều đó tác động. Ai đó có thể nói xấu tôi nhưng không khiến tôi phải nhảy dựng lên đáp trả. Ngay cả trò chơi Ai là triệu phú trên điện thoại, tôi còn bị lấy cả ảnh và giọng nói để lồng vào trò chơi đó. Có người hỏi tôi có muốn kiện không nhưng tôi gạt đi bảo: “Coi như người ta quảng bá hình ảnh cho mình. Kiện làm gì”.

Vậy anh có nghĩ đó là mặt khác của sự nổi tiếng? Vì anh nổi tiếng nên họ mới làm như vậy?

- Bây giờ bạn nói thì tôi thấy đúng như vậy. Tại sao người ta không lấy một người nào khác mà lại là mình. Có lần tôi còn xem bức ảnh một người đồng nghiệp cho xem, trong đó là ảnh về một người thương binh chạy xe trên đường và trên xe có dòng chữ: “Lại Văn Sâm VTV3”. (Cười lớn) Tôi chỉ coi đó là chuyện vui chứ không có phản ứng gì dữ dội cả. Và đúng thật nếu mình không nổi tiếng thì người ta cũng chẳng làm vậy.

Hay có một lần tôi ăn cơm hến ở Huế, có một người ra chỗ tôi và hô to: “Ơ mọi người ơi, Lại Văn Sâm ăn cơm kìa”. Tôi mới đáp vui rằng: “Chị ơi, em không ăn cơm thì ăn gì?”. Đó là những kỷ niệm vui mà tôi có được.

VTV ĐÃ BIẾN TÔI THÀNH NGƯỜI TỬ TẾ

Đã gần 30 năm gắn bó với VTV – một chặng đường khá dài. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh thấy mình được và mất những gì?

- Thời mới vào VTV, 1 năm liền tôi không có một đồng nhuận bút nào, hôm nào đi bình luận thể thao đêm cũng chỉ được 1.500 đồng – ăn được 3 bát phở thời đó. Hay như khi làm chương trình VKT, ở tháng đầu tiên được nhận nhuận bút, tôi, anh Trần Bình Minh (hiện là Tổng Giám đốc Đài THVN), anh Trần Tiến Đức, anh Trần Đăng Tuấn và Vũ Đức Khuynh rủ nhau đi liên hoan nhưng phải bù thêm tiền mới đủ trả bữa đó. Hồi đó nghèo lắm, tôi và anh Trần Bình Minh thường đi xe đạp lên cơ quan, có khi đi trên đường khán giả phóng xe máy qua nhìn thấy và quay lại bảo: “VKT tưởng thế nào”.

Thực sự, tôi không nghĩ làm VKT để kiếm tiền, để kiếm sự nổi tiếng lại càng không vì tôi không phải là nghệ sĩ. Chúng tôi xuất hiện trong chương trình VKT để trình bày những vấn đề đặt ra giúp khán giả truyền hình hiểu hơn. Sau 6 năm phát sóng, tôi thực hiện một chương trình nói lời tạm biệt khán giả trước khi chuyển sang làm việc tại VTV3. Ngay sáng hôm sau, khi chương trình đó phát sóng, trên bàn tôi “ngập” thư của khán giả, có mắng, có thương, có trách móc, thậm chí có nhiều người còn bảo “Nếu không đủ tiền, chúng tôi sẽ góp để các anh làm”, “Các anh phản bội lời hứa lúc đầu”, “Các anh là đồ hèn”, “Tại sao một chương trình như vậy mà các anh lại bỏ?”... Chưa bao giờ trong đời tôi nhận được nhiều thư đến vậy vì hồi đó không có điện thoại, cũng không có máy nhắn tin.

Giờ ngẫm lại tôi cũng thấy mình có may mắn nữa là phần lớn các chương trình tôi làm đều chưa có ai làm trước đó. Bây giờ tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng: “Gái có công, chồng không phụ”. Đó là một câu ngạn ngữ của người Việt mình mà tôi thấy rất đúng từ những tích lũy của tôi qua thực tế. Rõ ràng khi dừng làm VKT, tình cảm mà khán giả dành cho tôi là không thể ngờ được và có lẽ ít ai có được điều đó.

NB Lại Văn Sâm hiện là Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài THVN

Đó là về tinh thần, và tất nhiên, ở thời gian chương trình phát triển, những gì tôi làm cũng được trả lương xứng đáng. Từ chỗ đi xe đạp đi làm, tôi cũng mua được xe máy và bây giờ mua được cả ô tô. Bạn hỏi: “Được và mất gì” thì tôi nghĩ chẳng có gì mất bởi một người bình thường cũng phải lao động mới có thể sống, không ai gọi lao động là mất, mình kiếm sống cho chính mình thì tại sao gọi là mất. Còn được thì được rất nhiều.

Nếu ai đó nói rằng làm công việc này mất thời gian, mất sự tự do thì tôi lại không thấy điều đó, chỉ có một chút phiền như khi mình đi ăn mà khán giả bắt gặp cũng kéo ra để chụp ảnh, xin chữ ký… Nhưng đó lại là phiền trong niềm vui. Như các nghệ sĩ, có nhiều người nói rằng họ mất đi hạnh phúc cá nhân nhưng tôi nghĩ rằng tôi chẳng mất điều đó, tôi vẫn hạnh phúc. Và tôi thấy rằng mình được nhiều hơn mất trong suốt thời gian làm việc ở VTV.

Nói một chút về VTV3 – “đứa con tinh thần” của anh. 19 năm qua, VTV3 đã trở thành điểm hẹn của khán giả với những gameshow hấp dẫn, cứ nhắc đến VTV3 là khán giả nhắc đến các chương trình giải trí. Trong tất cả những gameshow đó, anh thấy tâm đắc nhất với chương trình nào?

- Tất cả các chương trình phát trên VTV3, nếu nói chương trình nào tôi thích nhất, hài lòng nhất thì đó chính là Đường lên đỉnh Olympia. Những chương trình trên VTV nói chung và trên VTV3 nói riêng, không phải chương trình nào tôi cũng có thể xem trọn vẹn nhưng riêng Đường lên đỉnh Olympia tôi không bỏ số nào khi chương trình lên sóng. Khi ấy, tôi xem Đường lên đỉnh Olympia với tư cách là một khán giả chứ không phải là vì mình là người chịu trách nhiệm sản xuất.

Qua từng thời kỳ, VTV3 cũng có nhiều chương trình tạo nên thương hiệu. Trong đó, Ai là triệu phú cũng là chương trình tôi rất thích bởi nó hợp với tôi. Hay chương trình Trò chơi liên tỉnh, SV 96 cũng là những sự đột phá trên VTV3, mang lại hiệu quả tốt. Tất nhiên tất cả các chương trình khi mình đề nghị làm đều có lý do nhất định nhưng như tôi vừa chia sẻ có lẽ chương trình tâm đắc nhất vẫn là Đường lên đỉnh Olympia.

Ngoài những lúc xuất hiện trên sóng truyền hình, không biết hình ảnh của một vị Trưởng ban ở anh có gì khác biệt hơn? Có lẽ đây cũng là điều khán giả rất tò mò vì không phải ai cũng được gặp nhà báo Lại Văn Sâm ngoài đời.

- Tôi nghĩ điều khác biệt mà khán giả ít biết ở tôi nhất là hình ảnh một Trưởng ban mà xuất hiện trong các chương trình truyền hình ở mọi vị trí, thậm chí sẵn sàng bê chân máy giúp các bạn quay phim và trực tiếp sản xuất các chương trình thường kỳ. Tôi thích làm nghề và sống bằng nghề, thích được trực tiếp tham gia sản xuất. Cũng giống như một bác sĩ có kinh nghiệm phẫu thuật thì hãy cứ phẫu thuật, sẽ ít rủi ro hơn là người đó lên vị trí Giám đốc bệnh viện rồi để các em sinh viên mới tốt nghiệp phẫu thuật, tỷ lệ rủi ro sẽ cao hơn. Vậy nên tôi thường trực tiếp tham gia sản xuất.

Người ta hay nói chức thì gắn liền với quyền nhưng tôi dường như không có quyền nhiều lắm. (Cười) Tôi và các bạn cấp dưới rất bình đẳng, tôi luôn luôn coi trọng họ, cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các bạn có thể hoàn thành công việc. Những lúc nào trợ giúp được các bạn tôi luôn sẵn sàng, từ công đoạn tiền kỳ tới hậu kỳ, có khi tôi còn đến cơ quan vào 12h đêm để duyệt bài cho nhân viên. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường và hoàn toàn thông cảm với họ. Tôi tự thấy mình là người có thể hiểu, chia sẻ và thông cảm với nhân viên.

45 năm hình thành và phát triển là một dấu mốc đáng nhớ của VTV và đến giờ VTV vẫn đang đổi mới từng ngày. Để nói về VTV trong ngày đặc biệt như hôm nay – 7/9, với cương vị là một Trưởng ban, anh sẽ nói điều gì?

- Tôi nghĩ trên thế giới, có lẽ ít quốc gia nào có lịch sử phát triển ngành truyền hình đặc biệt như Việt Nam. Nếu xét về tính chuyên nghiệp, hầu như thế hệ những người làm truyền hình đầu tiên của VTV đều là không chuyên. Nhìn lại những ngày đầu tôi mới vào VTV và cho đến ngày hôm nay khi VTV tròn 45 tuổi, sự phát triển là rất mạnh mẽ. Hình như bây giờ có tuổi rồi nên tôi mắc bệnh hoài niệm, hay nghĩ về ngày xưa nhưng quả thực VTV hôm nay so với 45 năm về trước là rất khác biệt.

Bản thân tôi cảm thấy rất kiêu hãnh, rất tự hào vì ít nhất mình đã từng gắn bó với VTV trong thời kỳ khó khăn nhất, vượt qua khó khăn ấy và trụ lại được tới ngày hôm nay. Mà làm được điều đó là không dễ. Cho đến giờ tôi vẫn nói với mọi người rằng nếu ngay hôm sau phải nghỉ hưu thì cũng rất mãn nguyện rồi vì đã được đóng góp đến cùng cho VTV.

Gần 30 năm làm việc ở VTV đã cho tôi rất nhiều thứ, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là VTV đã biến tôi thành người tử tế. Nếu không vào truyền hình, rất có thể giờ này tôi vẫn phụ mẹ vợ bán đồ mỹ nghệ ở chợ Đồng Xuân hoặc rất có thể đã là một doanh nhân, tìm mọi cách để kiếm tiền và có lẽ con người tôi sẽ khác. Biết đâu mình sẽ không giữ được hạnh phúc gia đình bền chặt như bây giờ. Nói chung đó là số phận cả.

Tôi luôn muốn nói lời cảm ơn tới VTV – nơi đã cho tôi được làm truyền hình và có được tôi như ngày hôm nay.

NB Lại Văn Sâm thay mặt ê-kíp sản xuất chương trình "Điều ước thứ 7" nhận giải thưởng dành cho "Hình ảnh nhân văn ấn tượng" trong lễ trao giải VTV Awards 2015 vừa diễn ra tối 6/9

Và cho anh cả sự nổi tiếng, được nhiều người biết đến nữa chứ?

- Đúng vậy. Vì như tôi đã chia sẻ với bạn, ở hiền thì gặp lành mà. (Cười)

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước