Toàn cảnh Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân lần thứ ba. (Ảnh: TTXVN)
Trong phiên bế mạc, hội nghị đã thông qua Thông cáo chung, theo đó, các nhà lãnh đạo ghi nhận hầu hết cam kết do các thành viên đưa ra tại các hội nghị trước đều đã được thực hiện. Các quốc gia khẳng định cam kết của mình về các mục tiêu chung giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình; tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố; đề cao trách nhiệm cơ bản của các quốc gia trong bảo đảm an ninh hạt nhân, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường và phối hợp tốt hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh cần một cấu trúc an ninh hạt nhân quốc tế mạnh mẽ và toàn diện với vai trò trung tâm của Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA; đồng thời khẳng định các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân không ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hoà bình.
Trước đó, tham gia phát biểu tại các phiên họp của hội nghị với trọng tâm thảo luận về các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định quan điểm của Việt Nam cũng như nỗ lực của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về an ninh, an toàn hạt nhân, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.
Đề cập tương lai cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhất là việc tập hợp và tăng cường ý chí chính trị cũng như thiện chí hợp tác trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân thì cơ chế này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo Thủ tướng, trước hết điều cốt yếu là phải biến các phương hướng, biện pháp đã được đồng thuận thành các chương trình, hành động thực tế một cách hiệu quả và hiệu lực. Hai là, bên cạnh nỗ lực của mỗi quốc gia, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả các quan hệ hợp tác song phương, khu vực và quốc tế về an ninh hạt nhân. Thứ ba, phải chú trọng củng cố vai trò trung tâm và tăng cường các nguồn lực cần thiết cho IAEA để tổ chức quốc tế này thực hiện vai trò điều phối trong lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc định kỳ tổ chức Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về an ninh hạt nhân do IAEA tổ chức như đã được tuyên bố tại Hội nghị quốc tế IAEA về an ninh hạt nhân tháng 7 năm 2013.
Chia sẻ quan điểm này của Việt Nam, các nhà lãnh đạo đã đánh giá cao nước chủ nhà Hà Lan đã chuẩn bị hết sức chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ ba và hoan nghênh cũng như ủng hộ Hoa Kỳ chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ tư vào năm 2016.