Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ thảo luận 3 vấn đề. Thứ nhất là dùng con đường ngoại giao và chính trị để tìm cách chấm dứt xung đột tại Ukraine trong thời hạn ngắn nhất. Thứ hai là xác định các biện pháp trừng phạt, mục tiêu và mức độ của từng biện pháp. Và thứ ba là tìm cách mở ra đàm phán giữa Chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập, cùng các bên liên quan đến tình hình Ukraine, với ngụ ý là Liên bang Nga.
‘ Hình ảnh hỗn loạn tại Kiev (Ảnh: AP)
Các quốc gia châu Âu đều lên án bạo lực tại Ukraine, nhưng cách tiếp cận vấn đề có khác nhau giữa từng nước trong khối. Trong khi các nước ở Tây Âu như Pháp, Anh, Đức… sớm bày tỏ quan điểm về tình hình tại Ukraine ngay từ sáng sớm hôm qua, thì các nước ở gần Ukraine như Hungary, Romania và Slovakia tỏ ra khá dè dặt. Những nước châu Âu có biên giới với Ukraine cho rằng, gây sức ép lúc này chỉ làm tăng thêm căng thẳng, dẫn tới những nguy cơ lớn hơn, mà lúc này chưa thể hình dung ra được.
Trong đêm 19/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi điện thoại cho Tổng thống Nga Vladimir Poutine, đề nghị Nga hợp tác với Đức tìm giải pháp để xung đột không leo thang. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu José Manuel Barroso trong đêm cũng đã nói chuyện điện thoại với Tổng thống Ukraine Viktor Ianoukovitch.
Cuộc họp của các Ngoại trưởng châu Âu dự kiến sẽ bắt đầu lúc 2 giờ chiều hôm nay bị đẩy muộn hơn một tiếng, tới 3 giờ chiều, tức là 9 giờ tối nay giờ Hà Nội, mới bắt đầu. Lý do là vì Bộ trưởng Ngoại giao Ba lan, Pháp và Đức bay tới Ukraine đêm 19/2 để thị sát tình hình phải đến trưa nay mới rời Kiev tới Brussels dự họp.