Tin liên quan:
Phim tài liệu: Hội nghị Geneva 1954 - Hòa bình cho Việt Nam
Ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương bắt đầu với sự tham gia của đại diện 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương Quốc Lào và Vương quốc Campuchia.
Ngày 20/7/1954, tại Geneva, Thụy Sỹ, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Đây là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Kỷ niệm 60 năm, ngày ký Hiệp định Geneva, VTV muốn cung cấp thêm một số chi tiết lịch sử để thấy rằng, trong bối cảnh quốc tế và tương quan lực lượng lúc đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hiện thực hóa được một phần mục tiêu lớn lao là các nước lớn trên thế giới lần đầu tiên phải công nhận và cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngày 26/4/1954, Hội nghị Geneva khai mạc. Nội dung bàn về vấn đề Triều Tiên nhưng không đạt được kết quả. Hơn 10 ngày sau (8/5/1954), Hội nghị Geneva về Đông Dương bắt đầu với sự tham gia của đại diện 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương Quốc Lào và Vương quốc Campuchia.
Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, bước vào Hội nghị với tư thế của người chiến thắng sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ - một chiến thắng đã tạo thế cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo đuổi chiến lược đàm phán hướng tới giải pháp tổng thể cả về mặt quân sự và chính trị cho Đông Dương.
Trong quá trình đàm phán, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố, Việt Minh thực tế đã kiểm soát hiệu quả phần lớn lãnh thổ ở miền Bắc và miền Nam thì họ phải được nắm quyền toàn bộ đất nước. Trong khi Pháp kiên quyết chỉ giải quyết vấn đề quân sự, tức là đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, các nước lớn tham gia hội nghị lại muốn dàn xếp những giải pháp cho vấn đề Đông Dương theo mô hình Triều Tiên (tức là vạch ra một giới tuyến quân sự tạm thời sau đó tiến hành tổng tuyển cử). Đây là luận điểm hoàn toàn khác với mong muốn độc lập của Việt Nam.
Sau 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, vào lúc 24 giờ ngày 20/7/1954, tức là trước khi hết thời hạn mà tân Thủ tướng Pháp Mandes France cam kết với Quốc hội và nhân dân Pháp rằng sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong vòng 1 tháng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, đại diện cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tướng Henri Delteil, đại diện Tổng tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương đã cùng ký các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Ngay ngày hôm sau (21/7), Việt Nam cùng các bên ra Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Pháp và các nước lớn đã phải thừa nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tại phiên họp cuối cùng ngày 21/7, Trưởng đoàn các nước đều phát biểu bày tỏ sự hài lòng về Hiệp định đã đạt được. Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hướng về Tổ quốc và nói với nhân dân Việt Nam rằng: “Đoàn ta đã cố gắng hết sức mình nhưng mới chỉ giành lại một nửa đất nước phía Bắc sông Bến Hải, cuộc chiến đấu của dân tộc ta sẽ còn phải tiếp tục lâu dài”.