Trả lời câu hỏi này, GS.TS Chính trị học Phan Xuân Sơn - khách mời của chương trình Sự kiện & Bình luận sáng nay (14/12) – khẳng định: “Tổ chức hệ thống quyền lực của nhà nước là nguồn gốc của tham nhũng”.
GS.TS Phan Xuân Sơn giải thích: “Nguồn gốc của tham nhũng gồm 2 điều, thứ nhất là do tổ chức hệ thống quyền lực nhà nước, tổ chức hệ thống chính trị. Tổ chức chặt chẽ, quá trình thực thi quyền lực minh bạch, công khai thì sẽ hạn chế rất nhiều việc tham nhũng, thậm chí khó có thể xảy ra tham nhũng. Nhưng tổ chức quyền lực không chặt chẽ, không hoàn thiện, sai lệch thì hệ thống quyền lực dễ bị lợi dụng bởi những người có chức có quyền mưu cầu lợi ích cá nhân. Cho nên, có thể nói tổ chức hệ thống quyền lực của nhà nước là nguồn gốc của tham nhũng”.
‘ Nhà báo Thu Hà và GS.TS Chính trị học Phan Xuân Sơn - khách mời của chương trình Sự kiện & Bình luận sáng nay (14/12). (Ảnh: VTV Online)
“Điều thứ 2 liên quan đến đạo đức xã hội, nói cách khác là chủ nghĩa cá nhân, lòng tham. Nếu hệ thống quyền lực chưa hoàn thiện, có sơ hở nhưng hành vi lạm dụng ít thì hiện tượng tham nhũng sẽ ít. Nhưng ngược lại, nếu chủ nghĩa cá nhân cao thì nó sẽ khoét sâu sự sơ hở, chưa hoàn thiện của hệ thống quyền lực. Từ đó dẫn tới việc tham nhũng”.
Khi nhắc đến vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm - một trong những vụ án đang được dư luận rất quan tâm - và việc lần đầu tiên đã có những bản án ở mức cao nhất được đưa ra cho một vụ án tham nhũng, GS.TS Phan Xuân Sơn - người đã có nhiều công trình nghiên cứu về chống tham nhũng – cho rằng: “Điều này đã cho thấy nhận thức chung của chúng ta, đặc biệt là của Đảng và Nhà nước về tính chất nguy hiểm của tham nhũng trong đời sống chính trị xã hội, trong sự phát triển của đất nước”.
“Chúng ta đã bắt đầu những vụ án chống tham nhũng từ rất sớm, chúng ta đã khẳng định tham nhũng là một nguy cơ với sự phát triển của đất nước nhưng trải qua nhiều năm, công cuộc chống tham nhũng này chưa đạt đến sự kỳ vọng của nhân dân. Cho nên, trong thời gian gần đây, thì công cuộc chống tham nhũng đã được thay đổi về phương thức và có chiến lược, sách lược khác. Chúng ta đã thể hiện quyết tâm chính trị mà chúng ta đã nói trước đây”.
“Các khung hình phạt dành cho các bản án tham nhũng cao hơn. Theo thống kê của nhiều nhà nghiên cứu, các vụ án treo chiếm khoảng 30%... Chưa có công bố chính thức nhưng gần như loại trừ được tình trạng cứ xét xử án tham nhũng là lại là án treo. Một vài vụ án gần đây mà dư luận đã biết thì khung hình phạt dành cho tội danh tham nhũng là rất cao và đã có khung hình phạt cao nhất”.
Ông Sơn cũng cho rằng việc các khung hình phạt dành cho tội tham nhũng được nâng cao đã có tác động lớn đến xã hội: “Một thời gian khá dài xã hội đã hoài nghi công việc phòng chống tham nhũng nhưng với mức án cao nhất được đưa ra nó đã gửi đến thông điệp là các công cuộc phòng chống tham nhũng đang được tiếp tục và giai đoạn này là một giai đoạn mới”.
“Nó sẽ tạo ra không khí phòng chống tham những trong toàn xã hội, mọi người sẽ tích cực hơn, không còn yếm thế nữa. Một số người đấu tranh chống tham nhũng có những lúc đã không được bảo vệ, có lúc gặp khó khăn thì nay đã có một chỗ dựa, một niềm tin tiếp tục công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng”.
“Khung hình phạt được nâng cao thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng trong việc chống tham nhũng".