Áp dụng cùng lúc 3 kỹ thuật điều trị bệnh nhân tắc mật do sỏi

Tuấn Bảo, icon
02:40 ngày 08/03/2021

VTV.vn - Bệnh nhân nữ, 60 tuổi có tiền sử sỏi mật nhiều năm, vào viện khám vì đau vùng hạ sườn, vàng da, niêm mạc.

Tai Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Tắc mật cấp do sỏi kẹt ống mật chủ/sỏi túi mật. Trên kết quả MRI là hình ảnh sỏi kẹt ống mật chủ kích thước 6 mm, sỏi túi mật kích thước 45 mm.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định nội soi mật tụy ngược dòng lần 1 để lấy viên sỏi ống mật chủ, sau đó tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật.

Bệnh nhân được nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi ống mật chủ. Tuy nhiên, do sỏi kẹt cứng tại vị trí ống mật chủ gây viêm phù nề chít hẹp toàn bộ, từ đó không đưa được ống soi lên ống mật chủ.

Sau đó, tình trạng tắc mật diễn biến nặng thêm, Bilirubin tăng vọt trên 100 micomol/l, men gan trên 1.000 U/L. Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành tán sỏi đường mật qua da dưới DSA, sau đó, phẫu thuật nội soi cắt túi mật để đảm bảo an toàn nhất.

Chỉ sau 30 phút tiến hành, viên sỏi ống mật chủ đã được tán vụn, kiểm tra lưu thông mật ruột tốt.

Sau làm kỹ thuật trên 2 ngày, kíp phẫu thuật tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật cho bệnh nhân. Hiện tại sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân đã được chụp kiểm tra lại thấy không còn sỏi đường mật và được xuất viện.

Theo các bác sĩ, trong điều trị sỏi mật, mổ mở lấy sỏi đường mật trong và ngoài gan được coi là biện pháp kinh điển. Bệnh nhân phải trải qua cuộc đại phẫu nặng nề với nhiều biến chứng, thời gian hồi phục chậm, tỷ lệ sót sỏi rất cao. Tuy nhiên, tán sỏi đường mật qua da được đánh giá là phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn tiên tiến, hiệu quả ưu việt nhất, đặc biệt thích hợp với các bệnh nhân già yếu, có bệnh lý toàn thân phối hợp hoặc bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật đường mật nhiều lần (gây dính, khó khăn khi mổ lại).

Cụ thể trong trường hợp bệnh nhân trên, do quá trình tán sỏi, sự tổn thương tổ chức là tối thiểu, nên sau khi tán xong bệnh nhân hoàn toàn ổn định và đảm bảo sức khỏe cho cuộc mổ cắt túi mật ngay sau đó.

Với phương pháp tán sỏi mật qua da dưới hướng dẫn của DSA, bệnh nhân sẽ được tạo 1 đường hầm với kích thước khoảng 5 mm để bác sĩ đưa dụng cụ vào đường mật và tiến hành tán vỡ vụn viên sỏi. Phương pháp này bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, giúp bệnh nhân tránh được cuộc đại phẫu với nhiều biến chứng nguy hiểm và có tỷ lệ sạch sỏi cao hơn rất nhiều so với phương pháp mổ. Thậm chí, bệnh nhân vừa tán sỏi qua da xong có thể thực hiện ngay 1 cuộc mổ khác mà không ảnh hưởng nhiều tới cuộc mổ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục