Báo động số ca sởi đang có chiều hướng gia tăng tại Hà Nội

Minh Đức, icon
02:30 ngày 01/08/2018

VTV.vn - Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có khoảng 250 trường hợp mắc bệnh sởi tại Hà Nội, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2017.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay, số ca mắc bệnh sởi trên địa bàn TP Hà Nội tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2017. Khoảng 250 trường hợp mắc bệnh đã được phát hiện và chưa có trường hợp mắc sởi nào tử vong. Trong đó, bệnh có xu hướng tăng nhiều trong tháng 5 và tháng 6, rải rác tại 30/30 quận, huyện, tập trung nhiều ở các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm...

Lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, chiếm đến 69%, trong đó nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất. Hầu hế trẻ bị nhiễm bệnh là do chưa được tiêm vacxin hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Điều đáng lưu ý là bệnh sởi chủ yếu bùng phát mạnh vào thời điểm Đông - Xuân, nhưng năm nay lại có dấu hiệu lay lan mạnh vào mùa Hè nên các bậc phụ huynh phải hết sức cẩn trọng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (BV Nhiệt đới TƯ), sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và có khả năng lây lan mạnh thành dịch. Việc tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh, có khả năng bảo vệ lên đến trên 90%.

Trước tình hình bệnh Sởi có dấu hiệu tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc sởi, rà soát lại các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để đảm bảo cho công tác điều trị bệnh Sởi.

Sở Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế tổ chức tập huấn các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên có tham gia chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, đặc biệt là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi. Để phòng lây nhiễm chéo, các bệnh viện cũng phải có phòng khám phân loại riêng ngay tại khu vực phòng khám và có biển chỉ dẫn ngay tại cổng bệnh viện, bố trí khu điều trị cách ly theo quy định và tổ chức điều trị tốt cho bệnh nhân cũng như bảo đảm chuyển tuyến an toàn với những bệnh nhân quá khả năng điều trị và tránh lây nhiễm trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh sởi có biểu hiện sốt, viêm long, hô hấp, tiêu hoá, kết mạc và phát ban. Bệnh có biến chứng: đường hô hấp (viêm phổi, viêm tai giữa…), viêm loét giác mạc, tiêu chảy, viêm não,.... có thể gây tử vong. Phụ huynh nên theo dõi và nắm bắt tình trạng bệnh của con để kịp thời chữa trị tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, cha mẹ cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục