Bảo vệ não khỏi tổn thương ở bệnh nhân COVID-19

Nguyễn Mai, icon
10:41 ngày 04/06/2020

VTV.vn - Không chỉ hồi phục chức năng hô hấp cho bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ cũng phải nỗ lực bảo vệ não của họ không bị tổn thương.

Những điểm não bị tổn thương ở bệnh nhân COVID-19

Mặc dù COVID-19 được biết đến là gây tổn hại cho phổi, nhưng nó cũng làm tăng nguy cơ chấn thương não - từ rối loạn tâm thần đến ảo giác, co giật, hôn mê, đột quỵ và tê liệt. Virus có thể xâm chiếm não và làm chết não do thiếu nguồn cung cấp oxy từ phổi. Để chống lại nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch đôi khi phản ứng thái quá, lại vô tình gây tổn hại cho não và các cơ quan khác mà nó phải bảo vệ.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 và nguy cơ nhiễm trùng cao đã buộc các đội y tế phải từ bỏ nhiều biện pháp giúp họ bảo vệ bệnh nhân khỏi mê sảng, một tác dụng phụ phổ biến của máy thở và chăm sóc đặc biệt.

COVID-19 không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ, chúng cũng khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn.

Khi các bác sĩ nghi ngờ một bệnh nhân có khả năng bị đột quỵ, họ thường đặt MRI não - một loại quét tinh vi. Nhưng nhiều bệnh nhân nhập viện với triệu chứng COVID-19 nặng khiến họ không thể thực hiện các bước chụp quét não - bác sĩ Kevin Sheth, giáo sư về thần kinh học và phẫu thuật thần kinh tại Đại học Yale, Mỹ cho biết.

Nhiều bác sĩ cũng ngần ngại yêu cầu quét MRI vì sợ rằng virus SARS-CoV-2 sẽ lây nhiễm sang máy, từ đó lây sang các bệnh nhân hoặc nhân viên y tế khác.

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ thậm chí không thể kiểm tra phản xạ và sự phối hợp của bệnh nhân vì bệnh nhân bị hôn mê sâu.

Một nghiên cứu từ Vũ Hán, Trung Quốc - nơi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên - cho thấy: 36% bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh, bao gồm đau đầu, thay đổi ý thức, đột quỵ và thiếu phối hợp cơ bắp.

Một nghiên cứu nhỏ hơn ở Pháp đã quan sát thấy các triệu chứng như vậy ở 84% bệnh nhân, nhiều người trong số đó vẫn tồn tại các biểu hiện thần kinh bị tác động ngay cả sau khi được xuất viện.

Nghiên cứu của các bác sĩ tại Đức cũng cho thấy virus SARS- CoV-2 có thể xâm nhập vào một tế bào thông qua một cổng phân tử được gọi là thụ thể ACE-2. Những thụ thể này được tìm thấy không chỉ trong phổi, mà còn các cơ quan khác, bao gồm nhiều bộ phận của não. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã báo cáo việc tìm thấy virus này trong dịch não tủy bao quanh não và tủy sống.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng phát triển triệu chứng "thiếu oxy thầm lặng". Khi tình trạng thiếu oxy xảy ra, các trung tâm điều tiết trong thân não - điều khiển hô hấp - báo hiệu đến cơ hoành và các cơ của thành ngực buộc chúng vận động mạnh hơn để đưa thêm oxy vào cơ thể và thải ra nhiều khí CO2 hơn. Việc thiếu phản xạ này ở một số bệnh nhân mắc COVID-19 có thể cho thấy thân não bị suy yếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục