Bé 4 tuổi bị chó nhà tấn công nhập viện

Lê Thạch, icon
07:18 ngày 27/09/2018

VTV.vn - Trong lúc đang chơi ngoài sân, bé bị chó nhà nuôi tấn công vào mặt và cổ. Đáng nói, 1 năm trước, bé cũng đã từng bị con chó này tấn công.

Các bác sĩ khâu vết thương vùng cổ của bệnh nhi bị chó cắn.

Bệnh nhi được gia đình đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong tình trạng vết thương vùng mặt và cổ.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy: 2 vết thương dài 6cm trên vùng cổ, 3 vết thương dài 2cm tại vùng mặt, 1 vết thương dưới mi mắt phải dài 1,5cm. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành sát trùng vết thương và chuyển bệnh nhi đến phòng mổ để tiến hành khâu phục hồi các vết thương.

Bé 4 tuổi bị chó nhà tấn công nhập viện - Ảnh 1.

Vết thương ở mặt bệnh nhi bị chó cắn.

Theo bác sĩ, vết thương tại vùng cổ của bệnh nhi rất nguy hiểm bởi rất sâu, nguy cơ tổn thương các mạch máu lớn và  tổn thương đường thở khiến trẻ suy hô hấp do phù nề chèn ép hoặc sặc máu, bệnh nhi có thể tử vong ngay lập tức.

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 6 trường hợp người bệnh bị chấn thương do chó cắn. Người bệnh nhập viện với các vết thương ở tay, chân, vùng mặt, vùng cổ… Đặc biệt có những vết thương ở những vị trí gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh như trường hợp cháu bé nêu trên.

Qua vụ việc các bác sĩ một lần nữa khuyến cáo: các gia đình có trẻ nhỏ không để trẻ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vaccine ngừa bệnh dại định kỳ. Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục