Bé 5 tuổi rách giác mạc do que gỗ chọc vào mắt

Tuấn Bảo, icon
07:07 ngày 16/03/2021

VTV.vn - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhi bị rách giác mạc, trong đó, có 1 trường hợp bị que gỗ chọc vào mắt.

Mắt bị tổn thương giác mạc của bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi P.V.Q.A. (5 tuổi, trú tại Tam Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt nhiều do bị que gỗ chọc vào.

Qua soi khám, bệnh nhi được xác định có vết thương rách giác mạc trung tâm, dài 5mm, giác mạc vùng vết rách và xung quanh phù đục, ngấn mủ tiền phòng 1,5 mm, ánh đồng tử kém hồng.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi N.H.N. (23 tháng tuổi, trú tại Quỳnh Mai, Nghệ An) cũng nhập viện do tổn thương ở vùng mắt.

Theo lời kể của gia đình, bé không rõ tiền sử chấn thương, 3 ngày trước khi nhập viện, bé xuất hiện đỏ mắt, chảy nước mắt.

Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán: Rách giác mạc mắt phải, kích thước vết rách dài 7mm, rách sâu hết bề dày giác mạc từ vị trí 7h đến trung tâm, phòi kẹt mống mắt, giác mạc xung quanh vết rách phù đục.

Bé 5 tuổi rách giác mạc do que gỗ chọc vào mắt - Ảnh 1.

Các bác sĩ tiến hành khâu bảo tồn giác mạc cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Cả 2 bệnh nhi đều bị tổn thương giác mạc nặng, đã có phản ứng viêm dính mống mắt và hình thành các khối mủ tiền phòng. Do đó, việc xử lý càng gặp nhiều khó khăn và cần phải tỉ mỉ hơn.

Ngay sau khi nhập viện, cả 2 bệnh nhi nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu khâu bảo tồn giác mạc, dùng kháng sinh chống viêm.

Hiện, sức khỏe 2 bệnh nhi tiến triển tốt, giác mạc được bảo tồn, ổn định.

Theo các bác sĩ, chấn thương rách giác mạc là một trong những tổn thương nặng của mắt. Do đó, việc xử lý khâu giác mạc và điều trị sau đó đòi hỏi phải hết sức tích cực, chặt chẽ, kỹ lưỡng. Việc xử trí rách giác mạc nếu không tốt sẽ dẫn đến hậu quả xấu mà cụ thể là thị lực có thể mất hoàn toàn.

Rách giác mạc hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng thái độ và cách sơ cứu đúng khi bị dị vật bay vào mắt. Khi cảm nhận có vật lạ bay vào mắt, người bệnh thường có xu hướng đưa tay dụi mắt. Tuy nhiên, việc làm này không những không lấy được dị vật mà còn làm rách giác mạc. Thay vào đó, cần thực hiện các cách sau để bảo vệ giác mạc:

Nhấp nháy mắt nhiều lần trong nước sạch để các bụi bẩn trôi ra ngoài.

Kéo mi mắt trên xuống dưới để lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi các dị vật.

Rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch giúp rửa trôi dị vật ra ngoài.

Nếu dị vật vẫn còn trong mắt, tuyệt đối không cố gắng gắp dị vật ra mà hãy đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa mắt xử trí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục