Bệnh đau lưng thấp: Lưu ý những gì?

Linh Chi, icon
11:34 ngày 05/05/2020

VTV.vn - Hầu hết mọi người đều có những lúc bị đau lưng thấp ở các mức độ khác nhau.

Theo bác sĩ Huỳnh Hoàng Châu, Khoa Ngoại thần kinh - cột sống, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, đau lưng thấp là hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là nguyên nhân cơ học. Đau lưng thấp xuất hiện sau khi xoắn vặn lưng hay khi nâng một vật không đúng tư thế hoặc vật quá nặng. Đau lưng thấp có liên quan đến bệnh thoái hóa cột sống, thương tổn các đĩa đệm, căng dây chằng, căng gân, căng cơ. Khi bị kéo căng quá mức, các thành phần này có thể bị rách hay đứt.

Đau lưng thấp cũng có thể là do rễ thần kinh tủy sống bị chèn ép, viêm gặp trong hẹp cột sống, trượt đốt sống, thoát vị hay vỡ đĩa đệm. Đau thần kinh tọa là bệnh lý rễ do chèn ép vào thần kinh tọa - một dây thần kinh lớn đi qua mông xuống đến phía sau cẳng chân - gây đau như bỏng rát từ thắt lưng lan xuyên qua mông xuống cẳng chân, có khi xuống đến bàn chân.

Ngoài ra, các bệnh sỏi thận, sỏi niệu, sỏi túi mật, viêm xương - khớp các loại, bệnh loãng xương, hội chứng đau xơ - cơ… cũng có thể gây ra triệu chứng đau lưng. Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, rối loạn nội tiết, phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh, hút thuốc lá nhiều, ngồi lâu ở các văn phòng, thừa cân, suy nghĩ căng thẳng cũng có thể gây đau lưng thấp. Các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp: công việc phải nâng, kéo, đẩy các vật nặng, nhất là khi phải xoay vặn hay chuyển động cột sống. Các nghề ít hoạt động hoặc ngồi suốt ngày trên ghế, nhất là khi ngồi sai tư thế hay không được chống đỡ lưng phù hợp cũng có thể bị đau lưng.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau lưng là đau cơ, đau lan xuống chân. Những cơn đau làm hạn chế độ linh hoạt, ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày, không có khả năng đứng thẳng lưng.

Khi có các triệu chứng như đau lưng không giảm hoặc cường độ cao, đặc biệt là vào ban đêm, khi nằm xuống hoặc khi đi lại; đau lưng lan xuống một hoặc cả hai chân, nhất là khi cơn đau kéo xuống dưới đầu gối; yếu, tê hoặc ngứa ran ở một chân hoặc cả hai; rối loạn tiêu tiểu; đau lưng kèm với sốt, sụt cân không giải thích được... người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Hiện nay, bệnh đau lưng có thể điều trị khỏi bằng thuốc. Một số ít phải tiến hành phẫu thuật cho những bệnh nhân bị chèn ép thần kinh nặng không đáp ứng với điều trị thuốc và vật lý trị liệu, hoặc có khối u tủy sống, teo cơ.

Để phòng tránh cơn đau lưng thấp, bác sĩ Châu khuyến cáo: Người dân cần bổ sung đúng và đủ chế độ dinh dưỡng, canxi, vitamin D, kiểm soát trọng lượng cơ thể. Tập những bài thể dục làm tăng độ dẻo dai của các khớp, đúng với độ tuổi, không tập thể dục quá sức. Trẻ em không nên đeo túi nặng quá 15-20% cân nặng của đứa trẻ. Đối với phụ nữ không nên mang giày cao gót quá lâu.

Khi đau lưng cần hạn chế nằm tại giường liên tục có thể làm cho đau lưng nặng hơn và có thể đưa đến các biến chứng thứ phát như: trầm cảm, giảm trương lực cơ, đông máu cẳng chân. Tập vật lý trị liệu với sự hỗ trợ của kỹ thuật viên rất hữu ích khi cơn đau kéo dài. Cần bắt đầu các bài tập giãn gân cốt, trở lại các vận động hằng ngày càng sớm càng tốt, nhưng tránh các động tác nhanh, mạnh làm cho đau tăng hơn…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục