Bệnh nhân COVID-19 nặng, từng phải can thiệp ECMO được xuất viện

P.V, icon
04:23 ngày 28/06/2021

VTV.vn - Chiều 28/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho xuất viện trường hợp bệnh nhân COVID-19 phải can thiệp ECMO đầu tiên trong đợt dịch thứ 4.

Bệnh nhân được ra viện sau 40 ngày hồi sức tích cực. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.H.G., 47 tuổi, trú tại Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh, có tiền sử khỏe mạnh, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 ngày 7/5.

Sau quá trình điều trị 11 ngày ở tuyến dưới, bệnh nhân tiến triển nặng, tiên lượng xấu nên được chuyển viện cấp cứu đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 18/5.

Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng sốt cao, tức ngực, khó thở tăng dần, co kéo cơ hô hấp, mặc dù được thở oxy lưu lượng cao nhưng bệnh nhân vẫn không đảm bảo tình trạng oxy máu. Các bác sĩ lập tức can thiệp đặt ống nội khí quản, đặt máy thở xâm nhập kỹ thuật cao với oxy 100%, sau can thiệp bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực.

Mặc dù được can thiệp kịp thời, nhưng bệnh nhân suy hô hấp tiến triển nặng rất nhanh. Bệnh nhân đi vào tình trạng suy hô hấp nguy kịch, hệ thống tuần hoàn suy sụp, huyết áp thấp phải duy trì thuốc vận mạch, tình trạng toan máu hỗn hợp, tổn thương gần như hoàn toàn 2 cả hai bên phổi (vùng thông khí dưới 10% phổi).

Ngay khi bệnh nhân vào Khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân và quyết định phải thực hiện can thiệp ECMO mới có thể cứu tính mạng bệnh nhân. Đây là kỹ thuật giúp thay thế chức năng tim phổi, đưa oxy trực tiếp vào máu để giúp duy trì sự sống của người bệnh.

Các bác sĩ bắt tay ngay vào việc thực hiện ECMO và sau 90 phút, hệ thống ECMO đã được thực hiện thành công, giúp bệnh nhân tạm thời thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Bênh nhân được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ cytokines, chống đông phòng huyết khối, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng.

Đến 30/5, sau 12 ngày điều trị hồi sức tích cực với hệ thống ECMO, thở máy và 6 lần lọc máu hấp phụ cytokines, chức năng phổi và toàn trạng bệnh nhân dần hồi phục, bệnh nhân được cai được ECMO.

Ngày 5/6, sau 18 ngày hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân và chức năng phổi hồi phục tốt, bênh nhân hoàn toàn tỉnh táo và được cai thở máy thành công.

Tuy nhiên, đến chiều ngày 7/6, bệnh nhân đột ngột suy hô hấp, các bác sĩ cấp cứu đặt lại nội khí quản thở máy. Với diễn biến đột ngột và qua thăm khám, đánh giá, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng nhồi máu phổi, một biến chứng nguy hiểm có thể gặp sau cai ECMO.

Sau khi hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa tim mạch, chuyên gia về nhồi máu phổi và bệnh nhân được tiến hành ngay điều trị huyết khối động mạch phổi. Sau 2 ngày điều trị tích cực theo hướng huyết khối động mạch phổi, tình trạng suy hô hấp hồi phục, bệnh nhân bỏ được thở máy, chuyển thở oxy kính. Tình trạng bệnh nhân dần hồi phục, bỏ được thở oxy, tự vận động được ngày một khá hơn.

Đến hôm nay (28/6), sau 40 ngày hồi sức tích cực, trải qua 12 ngày ECMO, 18 ngày thở máy, 15 ngày thở oxy, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, thể trạng tốt, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp, bệnh nhân được ra viện.

TS.BS Vũ Đình Phú, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ: Đây là bệnh nhân chạy ECMO đầu tiên khỏi bệnh và là ca bệnh nguy kịch thứ 20 được điều trị hồi phục ra khỏi Khoa Hồi sức tích cực trong đợt dịch này. Hiện tại, khoa vẫn còn 27 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có 7 bệnh nhân đã cai thở máy, 20 bệnh nhân vẫn cần thở máy với 6 ca chạy ECMO và nhiều bệnh nhân phải lọc máu hấp phụ cytokines.

Cũng trong ngày hôm nay, còn có 10 bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội tổng hợp khỏi bệnh được xuất viện trở về gia đình tiếp tục cách ly theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục