Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhập viện gia tăng

P.V, icon
06:00 ngày 06/11/2022

VTV.vn - Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Giải Phóng), số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng chiếm hơn một nửa số giường bệnh cấp cứu.

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại cơ sở Giải Phóng, mỗi ngày, có khoảng hơn 100 bệnh nhân nặng tới khám và điều trị sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 10% bệnh nhân nặng nhập viện. Riêng Khoa Cấp cứu, hiện có 30 giường bệnh thì có tới 25 giường dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng cần theo dõi tích cực.

Điển hình như trường hợp một bệnh nhân nữ cao tuổi (trú tại Thường Tín, Hà Nội) có biểu hiện sốt cao, dùng thuốc hạ sốt nhiều ngày không đỡ. Sau 5 ngày điều trị tại nhà, thấy người mệt mỏi, huyết áp hạ thấp, bệnh nhân được người nhà đưa vào nhập viện thì tiểu cầu đã giảm rất thấp và suy tạng.

Hay trường hợp bệnh nhân Đ.T.L. (trú tại Thái Bình) được chuyển từ bệnh viện tỉnh lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tiểu cầu giảm, suy tạng, biến chứng viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu... Các bác sĩ cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực nên sau 3 ngày nhập viện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: Trong thời điểm xuất hiện cả cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, COVID-19 như hiện nay, người dân nếu có biểu hiện sốt, mệt mỏi thì nên tới cơ sở y tế kiểm tra xác định xem mắc bệnh gì để được xử trí đúng.

Các bác sĩ cảnh báo, số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận đang có xu hướng tăng cao thành dịch trong những tuần trở lại đây. Để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài, người dân cần:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục