Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Y tế Dự phòng cho biết, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết ở khu vực Tây Thái Bình Dương, và khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các bệnh có vaccine phòng bệnh từ sau dịch COVID-19 cũng trội lên trên thế giới, khu vực cũng như tại Việt Nam.
Cụ thể, sau đại dịch COVID-19, số mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Tác động của đại dịch COVID-19 trong những năm trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.
Tương tự tại Việt Nam số mắc sởi cũng tăng cao. Theo TS. Nguyễn Lương Tâm, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (TP Hồ Chí Minh 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Từ ngày 1/9/2024 đến ngày 19/11/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11/2024 có đến 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.
Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng cho biết sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác để có đề xuất phù hợp.
Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại 31 tỉnh, thành, cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.
Ngoài ra, số mắc ho gà cũng cao hơn 23 lần, với hơn 1.000 ca mắc, 1 ca tử vong.
Một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, bạch hầu… đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, số mắc cúm mùa cũng có xu hướng giảm tuy nhiên số tử vong tăng 7 trường hợp (Bình Định 4 ca, Hà Nội 2, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương một ca tử vong).
Đặc biệt, trong năm nước ta ghi nhận một ca mắc bệnh bại liệt ở Đắk Lắk. Từ đầu năm đến nay, cũng ghi nhận rải rác các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương, với 73 ca mắc, chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.
Với bệnh than, trong năm cũng ghi nhận 12 ca mắc tại Điện Biên 11 ca và 1 ca ở Sơn La, số mắc giảm 4 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại điện Cục Y tế dự phòng nhận định, trong năm 2024, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, dịch bệnh trong nước diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, bùng phát, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống. Dịch bệnh cúm A(H5N1) là vấn đề cần quan tâm, liên quan đến dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại Mỹ liên quan đến dịch trên gia súc (bò, lợn). Tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Vì thế, hệ thống y tế dự phòng cần đặc biệt quan tâm vấn đề này khi có gia cầm ốm chết, đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện, nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch nếu có xảy ra trên người.
Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch với các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), các bệnh dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu), bệnh viêm phổi nặng do virus và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao...).
Đồng thời giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Cũng tại hội nghị, Cục Y tế dự phòng cũng đã báo cáo về các quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực y tế dự phòng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đó có Thông tư 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế bắt buộc; Thông tư số 30/2024/TT-BYT ngày 04/11/2024 quy định danh mục nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện; Thông tư số 34/2024/TT-BYT ngày 15/11/2024 quy định đặc điểm kinh tế - kĩ thuật kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập và Thông tư 41/2024/TT-BYT ngày 27/11/2024 hướng dẫn xây dụng định mức kinh tế - kĩ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng về cơ bản các dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát. Tuy nhiên thực tế trên thế giới và Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tại, một số dịch bệnh vẫn có nguy cơ và tỷ lệ mắc tăng cao như sởi, ho gà, bạch hầu, bại liệt có một ca cũng là cảnh báo trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, Cục Y tế dự phòng hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương chỉnh sửa thông tư số 10 hướng dẫn về công tác tiêm chủng được Bộ Y tế ban hành ngày 13/6/2024, bổ sung 2 vaccine HPV triển khai từ năm 2026 và PVC bắt đầu bổ sung từ năm 2025. Dự trù kinh phí mua vaccine từ ngân sách nhà nước, không để hiện tượng chậm muộn trong việc cung cấp vaccine khi triển khai tiêm chủng;
Các Viện chủ động tổ chức các cuộc họp với các địa phương để hướng dẫn các địa phương xây dựng định mức kinh tế kĩ thuật, Vụ Kế hoạch - Tài chính cử cán bộ cùng tham gia;
Cục Y tế dự phòng khẩn trương hoàn thiện trình ban hành kế hoạch phòng, chống dịch năm 2025 trước 20/12/2024, đi kèm các hướng dẫn, định hướng chuyên môn trong năm 2025 cho các địa phương. Từ năm 2025, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phải hoàn thiện trong tháng 11 hàng năm và đến tháng 12 các địa phương dựa vào đó sẽ ban hành kế hoạch phòng, chống dịch cuả địa phương.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, có văn bản chỉ đạo việc tổ chức các đoàn giám sát và hướng dẫn địa phương.
Vụ Kế hoạch - Tài chính ban hành văn bản gửi các địa phương yêu cầu gửi các phương án giá lên Bộ Y tế và khẩn trương xây dựng giá tối đa với các dịch vụ kiểm dịch y tế cũng như y tế dự phòng.
Các Viện khẩn trương hoàn thiện các quy trình kĩ thuật đối với các dịch vụ và định mức kinh tế kĩ thuật phối hợp chặt chẽ với Cục Y tế dự phòng, Vụ Kế hoạch - Tài chính và các địa phương để có thể ban hành quy trình kĩ thuật và các định mức kinh tế kĩ thuật và ban hành được giá tối đa với các dịch vụ; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, giám sát các tỉnh trong phòng, chống dịch bệnh sát sao hơn nữa để kịp thời phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức các đoàn tới các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, phát sinh các dịch bệnh để hướng dẫn, cùng các địa phương giải quyết đối với công tác tiêm chủng và phòng dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Viện Pateur TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đánh giá lại nguyên nhân tại sao có nhiều người dân có con trong độ tuổi tiêm chủng không cho trẻ đi tiêm để tìm cách khuyến cáo động viện phụ huynh đưa trẻ đi tiêm.
Văn phòng Bộ Y tế và Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Sức khỏe Trung ương tăng cường công tác truyền thông. Thông qua mạng lưới truyền thông, đôn đốc hướng dẫn để tăng cường truyền thông về công tác phòng, chống dịch.
Các địa phương cần nghiêm túc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ, Bộ Y tế ban hành đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động bố trí kinh phí để triển khai tiêm chủng. Địa phương nào không bố trí kinh phí để mua vaccine cho tiêm chủng thì báo cáo Bộ Y tế để có phương án giải quyết. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tỉnh tiếp tục tập trung phòng, chống dịch, đặc biệt lưu ý quy trình kiểm soát lây nhiễm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
VTV.vn - Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận bệnh nhi 4 tuổi tử vong do bệnh ho gà. Đáng lưu ý, bệnh nhi chưa tiêm vaccine phòng bệnh có thành phần ho gà.
VTV.vn - Thời gian gần đây, Khoa Nội nhi Tổng hợp - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã khám và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhi bị bệnh viêm mao mạch dị ứng (Schonlein Henoch).
VTV.vn - Đó là cơ sở gắn biển hiệu "Đông Y Hồng Lý" tại địa chỉ số 517 Bình Thành, Khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.
VTV.vn - Dịp cận Tết Nguyên đán là thời điểm các dịch bệnh dễ bùng phát, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa.
VTV.vn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận bé trai 4 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước, đến khám và nhập viện vì tình trạng táo bón kéo dài.
VTV.vn - Tim, gan, giác mạc và thận được hiến từ người phụ nữ 63 tuổi chết não đã được lấy và ghép cho các người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy.
VTV.vn - Tại tỉnh Khánh Hòa, trong vòng chưa tới 1 tháng, có 3 trường hợp bị thương nặng do tự chế pháo nổ phải vào bệnh viện điều trị.
VTV.vn - Tất cả 4 nạn nhân nặng vụ phóng hoả tại quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng đã tự thở tốt và đang trong quá trình hồi phục.
VTV.vn - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT năm 2024.
VTV.vn - Nghĩ rằng mật cá trắm có công dụng tốt cho sức khỏe, 2 người đàn ông khi mua cá trắm từ chợ về làm thịt đã lấy mật cá trắm uống.
VTV.vn - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản cảnh báo người dân không mua bán, sử dụng 2 loại thuốc giả là Clorocid TW3 và Tetracyclin TW3.
VTV.vn - Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, tình hình dịch sởi trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, đến ngày 30/12, toàn tỉnh ghi nhận hơn 7.000 ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong.
VTV.vn - Tai nạn xảy ra khi người đàn ông này điều khiển xe cuốc rẫy và va chạm với tổ ong vò vẽ, khiến đàn ong bay vào đốt ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
VTV.vn - Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành công văn gửi các đơn vị trực thuộc về việc đảm bảo công tác y tế trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
VTV.vn - Trái tim, lá gan, 2 quả thận được hiến của người phụ nữ đã được các bác sĩ tiến hành ghép cho 4 người bệnh.