Bột ngô mốc: "Sát thủ" gây ngộ độc ở vùng cao

P.V, icon
01:29 ngày 05/03/2021

VTV.vn - Ngộ độc do ăn các loại thức ăn liên quan đến ngô mốc khiến không ít trường hợp người dân nhập viện, thậm chí là tử vong tại Hà Giang.

Ảnh: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang, thống kê từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 8 vụ ngộ độc do ăn bánh trôi ngô mốc, đã cướp đi 24 sinh mạng, tỷ lệ tử vong cao do độc tố của ngô, bột ngô, bánh trôi ngô mốc gặp ở các huyện Đồng Văn( 4 người), Mèo Vạc (9 người), Quản Bạ (7 người), Bắc Mê (4 người). Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp nạn nhân bị nhiễm độc nhưng trường hợp nhẹ, gia đình tự sơ cứu, chạy chữa tại nhà.

Ngô là lương thực chính của đồng bào dân tộc thiểu số. Vào mùa hè, hầu hết các gia đình đồng bào nơi đây làm bánh bột ngô để ăn phụ vào bữa chính. Do trình độ nhận thức còn hạn chế, điều kiện sống còn gặp rất nhiều khó khăn, nên khi thấy bánh bột ngô mốc, các gia đình không bỏ đi mà vẫn ăn. nên đã có rất nhiều vụ ngộ độc bánh trôi ngô đáng tiếc xảy ra.

Hầu hết các nạn nhân khi ăn phải bột ngô mốc thường có các biểu hiện như nôn nao, chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi dẫn tới đi ngoài nhiều. Đối với những trường hợp có dấu hiệu như trên, nếu không kịp thời đưa đến các cơ sở y tế sớm, rất dễ dẫn tới tử vong.

Độc tố nấm và những tác hại nghiêm trọng cho cơ thể của người và động vật:

- Gây tổn thương tế bào gan: Tất cả các trường hợp xác định sự ngộ độc aflatoxin đều có bệnh tích giống nhau ở chỗ gan bị hư hại nặng. Ban đầu gan biến thành màu vàng tươi, mật sưng, sau đó gan sưng phồng và bắt đầu nổi các mụn nhỏ trên bề mặt làm cho nó gồ ghề; đôi khi có những nốt hoại tử màu trắng, sau cùng do nhiễm khuẩn... gây tử vong.

- Thận cũng bị sưng to làm cho việc bài thải chất độc ra khỏi cơ thể cũng trở nên hết sức khó khăn, từ đó làm cho triệu chứng ngộ độc trở nên trầm trọng.

- Làm giảm khả năng đề kháng, ức chế hệ thống sinh kháng thể.

- Bào mòn niêm mạc của ống tiêu hóa do lớp tế bào niêm mạc bị chết bong ra và bị khô lại hình thành nên một lớp màng bọc, làm cản trở sự vận chuyển thức ăn đi trong ống tiêu hóa.

- Làm thay đổi hoạt động sinh lý bình thường, gây rối loạn sinh sản và phá hủy hư các vitamin trong thức ăn do sự lên men phân giải của nấm mốc.

Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc:

- Người dân tuyệt đối không ăn ngô mốc hoặc các thực phẩm chế biến từ ngô để lâu ngày. Bột ngô ướt, bánh ngô đã chế biến cũng chỉ nên dùng trong ngày, không nên để lưu cữu dùng trong nhiều ngày dễ bị nhiễm nấm mốc độc.

- Khi thấy ngô, bột ngô có mầu xanh, mốc nên bỏ không sử dụng.

- Trong quá trình chế biến cũng cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tránh việc nhiễm độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào thực phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục