Bớt sắc tố bẩm sinh

Linh Chi, icon
05:56 ngày 03/11/2018

VTV.vn - Bớt sắc tố bẩm sinh là bớt sậm màu xuất hiện ngay lúc bé sinh ra. Chiếm tỉ lệ 1% trẻ sơ sinh, có 15% ở thể muộn lúc lớn mới thấy tổn thương.

Hình minh họa (Ảnh: nhs)

Theo bác sĩ Đỗ Thị Thanh Tâm, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bớt thường có màu nâu sáng đến sậm đen, hơi gồ lên bề mặt, kích thước từ rất nhỏ cho đến khổng lồ bao phủ một phần cơ thể, đôi khi có lông trên bề mặt. Nguyên nhân có thể do đột biến gen xảy ra trong giai đoạn sớm của phôi thai.

Phân loại thường dựa vào kích thước thương tổn: nhỏ là dưới 1,5cm; trung bình: từ 1,5-19,9 cm; lớn: trên 20cm; khổng lồ: trên 40 cm đường kính lớn nhất.

Những bớt lớn và khổng lồ xuất hiện với tỉ lệ 1/20.000 trẻ, tuy nhiên có nguy cơ cao thoái hoá ác tính melanoma trong những năm đầu đời với tỉ lệ 5%. Trong khi những bớt nhỏ và trung bình chiếm tỉ lệ 1/100 trẻ sơ sinh chỉ hoá ác với tỉ lệ ít hơn 1% và không xuất hiện trước tuổi dậy thì.

Điều trị cắt bỏ bớt sắc tố tuỳ thuộc vào kích thước và vị trí của bớt dựa trên 2 tiêu chí là hạn chế biến chứng và thẩm mỹ với phương pháp không phẫu thuật như laser CO2, bào da, lột hoá chất hay laser Nd YAG hay phương pháp phẫu thuật như cắt bỏ toàn phần có hoặc không ghép da, cắt nhiều thì đặt túi dãn da hay chuyển vạt da. Kế hoạch điều trị tuỳ từng trường hợp và cần theo dõi lâu dài dù đã được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn.

Những bớt nhỏ và trung bình thường có khuynh hướng điều trị bảo tồn cho đến quanh tuổi dậy thì, khi đó trẻ có thể chịu đựng được tiểu phẫu với gây tê tại chỗ. Những bớt lớn và khổng lồ nên được điều trị sớm để giảm yếu tố tâm lý trước khi trẻ đến trường và hạn chế biến chứng melanom hoá.

Phụ huynh cần theo dõi và tìm những dấu hiệu bớt diễn tiến bất thường như lớn nhanh, bờ không đều, màu sắc biến đổi ,có loét, ngứa đau…. Khi đó, bạn cần đưa trẻ đến khám các bác sĩ chuyên khoa da liễu có kinh nghiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục