Các triệu chứng điển hình của ung thư phổi

Linh Chi, icon
06:04 ngày 11/07/2019

VTV.vn - Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ở Việt Nam, ung thư phổi là bệnh rất phổ biến, thường gặp ở nam, đặc biệt trên những đối tượng hút thuốc lá.

Hình minh họa.

Tại nước ta, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở nam giới, đứng hàng thứ 3 ở nữ giới và không ngừng tăng. Số ca mắc mới ung thư phổi ở nam năm 2000 chỉ là 6.905 ca với tỷ lệ 29,3 người/100.000 dân, đến năm 2010 số ca mắc đã là 14.652 ca và tỷ lệ tăng lên 35,1 ca/100.000 dân. Dự báo, đến năm 2020, số ca mắc mới có thể lên tới 23.000 ca ở nam giới và hơn 34.000 ca ở cả 2 giới.

Theo các chuyên gia Bệnh viện K, ung thư phổi được cho là bắt đầu tại các vị trí tiền ung thư trong phổi. Những thay đổi đầu tiên trong gene (DNA) của các tế bào phổi có thể làm các tế bào phát triển nhanh hơn. Tại thời điểm này, các thay đổi không tạo thành khối u, không thể phát hiện được trên X-quang và không gây ra triệu chứng.

Theo thời gian, các tế bào bất thường có thể có được những thay đổi gen tiếp tục để tiến đến ung thư thực sự. Các mạch máu xung quanh vị trí ung thư sinh sôi mạnh mẽ để nuôi dưỡng các tế bào ung thư, sau đó phát triển và hình thành một khối u đủ lớn có thể nhìn thấy trên các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang.

Tại một số điểm, các tế bào từ các ung thư có thể thoát khỏi khối u ban đầu và lan tràn, di căn tới các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư phổi thường là một căn bệnh đe dọa tính mạng bởi vì nó có xu hướng di căn ngay cả trước khi nó có thể được phát hiện trên phim X-quang.

Nguyên nhân gây ung thư phổi

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc, nhưng họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hít khói của người hút thuốc lá). 90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm. Ở nước ta, hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.

Môi trường làm việc: là yếu tố cũng dễ tác động gây bệnh ung thư phổi. Những người tiếp xúc với khói, bụi cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi đặc biệt là trong quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than.

Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.

Triệu chứng của ung thư phổi

- Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài.

- Thở ngắn, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi.

- Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.

Tại sao ung thư phổi thường được chẩn đoán muộn?

Hiện nay, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi không có triệu chứng rõ rệt. Trong phổi không có thần kinh cảm giác nên các cơn đau mà bệnh nhân cảm nhận được là do di căn (màng phổi, thành ngực, xương, hạch…).

Ung thư phổi thường được phát hiện đầu tiên bằng chụp X-quang lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa. Có thể chẩn đoán bằng cách lấy sinh thiết ở vùng khác thường của phổi. Những mẫu sinh thiết lấy được, được nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán xác định.

Khi nào nên tầm soát?

Tổ chức về phòng bệnh Mỹ, Hội phẫu thuật lồng ngực Mỹ, Hội ung thư Mỹ… đề xuất tầm soát ung thư phổi hằng năm bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp cho các đối tượng có:

- Tuổi từ 55 - 74 Tiền căn hút thuốc lá nặng: hơn 30 gói/năm. Còn hút thuốc hoặc đã bỏ hút dưới 15 năm trong quá khứ.

- Tuổi từ 50 và trên 20 gói/năm và có yếu tố nguy cơ (thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá).

- Yếu tố nguy cơ từ gia đình, môi trường sống: tiền căn cá nhân hoặc gia đình bị ung thư, bệnh nghề nghiệp, phơi nhiễm bụi khoáng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục