Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm vaccine ComBE Five

Minh Đức, icon
12:00 ngày 07/01/2019

VTV.vn - Sau khi tiêm vaccine, phụ huynh nên để trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và xử trí kịp thời nếu có phản ứng bất thường.

Lo lắng, bất an sau mỗi lần con đi tiêm chủng là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, trên thực tế sau khi tiêm vaccine 5 trong 1, trẻ bị sốt là một phản ứng bình thường. Dù vậy, khi trẻ gặp phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five cha mẹ cũng cần phải lưu ý, theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất.

Vaccine ComBe Five là loại vaccine phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sử dụng vaccine phối hợp ComBE Five sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vaccine ComBE Five được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Không sử dụng vaccine này cho trẻ sơ sinh.

Theo ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, dù là vaccine gì cũng sẽ có rủi ro nhất định. Khi tiêm vaccine, trẻ có phản ứng sốt, quấy khóc, da đỏ và đau... trong vòng 24h-48h tự khỏi. Tuy nhiên có những trường hợp cơ thể gặp những phản ứng quá mẫn sẽ gây ra sốc phản vệ, nếu cấp cứu kịp thời sẽ qua khỏi.

Những phản ứng trẻ có thể gặp phải sau khi tiêm vaccine: Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vaccine với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng; Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vaccine; Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1000 liều; Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 20/1 triệu liều.

Sau khi tiêm vaccine, phụ huynh nên cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Phụ huynh tiếp tục theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Khi trẻ có các dấu hiệu: quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ... Khó thở: rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch. Sốt cao >39°C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24h. Da nổi vân tím, chi lạnh. Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú, co giật, phát ban cần đưa ngay đến cơ sở y tế

Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cha mẹ cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác.

Yêu cầu các cán bộ y tế thông báo về các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm.

Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục