Cách phân biệt, xử trí các mức độ sốt ở trẻ

Ban Khoa giáo, icon
05:54 ngày 25/06/2019

VTV.vn - Sốt nhẹ, vừa, cao và co giật ở trẻ khác nhau như thế nào? Cần theo dõi, phân biệt và xử trí ra sao?

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ. Trong một số trường hợp, sốt là phản ứng có lợi cho bé, tuy nhiên, nếu sốt quá cao và kéo dài thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, phụ huynh cần phân biệt từng kiểu sốt để có cách xử trí phù hợp.

Sốt nhẹ

Sốt nhẹ là từ khoảng 37,5 độ đến 38,5 độ. Cha mẹ có thể dùng mu bàn tay mình đặt vào nách hoặc ở bụng trẻ để cảm nhận sốt. Xúc giác ở mu bàn tay tốt hơn ở lòng bàn tay. Muốn biết sốt chính xác, cha mẹ cần cặp nhiệt độ.

Chăm sóc: Để thoáng, mặc quần áo mỏng màu trắng.

Chưa cần uống thuốc hạ sốt mà cho trẻ uống nhiều nước.

Sốt vừa

Thân nhiệt trẻ từ 38,5 độ đến 39,5 độ C là biểu hiện trẻ đang sốt vừa.

Biểu hiện: Trẻ thường quấy khóc, khó chịu, mắt mất vẻ tinh nhanh. Trẻ có thể thở nhanh, nhịp tim nhanh, bứt rứt...

Chăm sóc: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, cho uống nhiều nước, ăn các đồ ăn dễ tiêu thành nhiều bữa nhỏ.

Nếu trẻ tỉnh táo, chơi bình thường, trẻ trước đó không bị sốt co giật thì cha mẹ cho con mặc đồ mỏng, thoáng, dễ thoát mồ hôi.

Sốt cao

Khi thân nhiệt trẻ từ 39,5 đến 40 độ C, thường gặp trong các trường hợp nhiễm trùng. Lúc này không có cách xử trí đúng sẽ rất nguy hiểm.

Một số trẻ 6 tháng - 5 tuổi có thể bị co giật do sốt. Nếu thấy trẻ lừ đừ, khó chịu thì phụ huynh phải lau mát cho trẻ: thau nước pha nước nóng, nước nguội, rồi lau ở hai bên cổ, hai bên nách, hai bên bẹn... Lau khoảng nửa tiếng, hiệu quả hạ sốt rất tốt.

Đồng thời, phụ huynh cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

Sốt co giật

Sốt cao đi kèm với co giật có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm màng não, sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tái diễn nhiều lần rất có thể di chứng động kinh sẽ trở thành mối nguy hiểm với sức khỏe của trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi trẻ và nhận biết sớm để xử trí kịp thời.

Trẻ khoảng 6 tháng - 5 tuổi (đặc biệt 18 tháng - 24 tháng) bị sốt co giật thường do sốt. Còn trẻ trên 6 tuổi, sốt co giật thường có nguyên nhân mà có thể do viêm não, viêm màng não...

Chăm sóc:

- Nghiêng trẻ sang một bên để đàm nhớt ở miệng trẻ ra ngoài, lấy khăn lau nhanh liên tục đàm nhớt.

- Đặt thuốc hạ sốt hậu môn.

- Lau mát cho trẻ.

- Sau khi trẻ bớt giật, ổn định, phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.

Những điều không được làm khi trẻ bị sốt có biểu hiện co giật:

- Không được vắt chanh vào miệng và mắt trẻ.

- Không được đưa muỗng, đũa vào miệng trẻ.

- Không được dùng đá lạnh lau cho trẻ.

- Không giật tóc, vỗ vào người trẻ khi trẻ đang bị co giật, càng khiến trẻ bị kích thích, co giật nhiều hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục