Cách xử lý và sơ cứu khi bị chó cắn

Minh Đức, icon
05:30 ngày 10/04/2019

VTV.vn - Sau khi sơ cứu ban đầu, người bị chó cắn cần phải đến ngay các điểm tiêm vaccine phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình.

Những thông tin về việc trẻ nhỏ bị chó cắn bị thương hoặc bị chó dại cắn, nhiễm bệnh và tử vong đang khiến dư luận xôn xao và lo lắng, không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cần biết cách xử lý vết thương khi bị động vật cắn, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Theo TTYT Dự phòng - Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi nước bọt của động vật bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách rồi vào cơ thể. Từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.

Các chuyên gia y tế cho biết, nếu bị chó cắn thì việc vệ sinh vết cắn vô cùng quan trọng và cần được xử lý đúng cách, kịp thời để không làm tăng nguy hiểm cho cơ thể. Bước đầu tiên trong quá trình sơ cứu là phải tách phần quần/áo ra khỏi vị trí vết cắn, giúp hạn chế nước bọt của chó còn dình trên vải bám nhiều hơn vào vết thương. Nhanh chóng rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy mạnh, sử dụng xà bông, nước muối hoặc dung dịch sát trùng vết thương.

Sau khi vệ sinh sạch sẽ cần kiểm tra lại tình trạng vết cắn. Vết thương sau khi được rửa sạch có thể dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng để cầm máu và hạn chế vi khuẩn tấn công. Cần xem xét con chó đã tấn công mình đến từ đâu, điều này có thể là căn cứ để xác định nguy cơ bị bệnh dại.

Người bị chó cắn cần phải đến ngay các điểm tiêm vaccine phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm vaccine dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại. Việc này là hết sức cần thiết vì bệnh dại sẽ không cứu được nếu đã lên cơn,

Để nhận biết các triệu chứng của bệnh dại, tránh hậu quả xấu nhất có thể xảy ra, các bác sĩ sẽ nêu ra rõ từng triệu chứng của người bệnh: Thời gian đầu của người bị chó dại cắn sẽ cảm thấy đau nhức nơi vết cắn, vết cắn bị sưng tấy. Sau khi bị cắn, những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết. Cùng lúc này còn có các triệu chứng kèm theo như sốt, đau đầu, lo lắng, trằn trọc, bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ.

Để xác định được chó có đang mắc bệnh dại không thì có thể quan sát một số hiện tượng như mắt đỏ ngầu, chảy nước dãi, sủi bọt mép, ủ rũ...

Đối vối với những gia đình đang nuôi chó mèo, cần thực hiện tốt 3 việc sau đây:

- Tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó mèo đang nuôi.

- Chó mèo nuôi phải đăng ký, chó nuôi phải xích, ra ngoài phải có rọ mõm để không cắn người.

- Người bị chó mèo cắn phải rửa ngay vết thương và đi khám, tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục